Hiện đến nay, các quốc gia này vẫn đang đối mặt nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị, và sự phản đối từ cả người dùng và giới chuyên gia. Đồng thời, các quốc gia này cũng không ngừng thay đổi chính sách để phù hợp hơn với thực tiễn, thậm chí còn có khả năng bãi bỏ lệnh cấm để chuyển sang quản lý.
Nỗ lực nhưng chưa được bù đắp
Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí y khoa uy tín The Lancet kêu gọi WHO cần nhấn mạnh mạnh tầm quan trọng của việc giảm tác hại thuốc lá trong khuôn khổ Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC).
Thực tế cho đến nay, khuyến nghị cấm các sản phẩm thuốc lá mới mà WHO kêu gọi hiện chỉ nhận được rất ít sự ủng hộ. Chỉ tính riêng TLLN, chỉ 5% quốc gia (ước tính 11 nước) áp dụng hình thức cấm mặt hàng này.
Do vậy, hai cựu quan chức của WHO là GS. Robert Beaglehole và GS. Ruth Bonita, tác giả của bài nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet đã kêu gọi WHO cần thể hiện vai trò lãnh đạo tích cực hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia khi họ cân nhắc chính sách đối với các sản phẩm thuốc lá mới như TLNN, TLĐT, thuốc lá ngậm snus, v.v. Các tác giả lý giải, thực tiễn cho thấy các lệnh cấm chỉ làm cho sự căng thẳng và áp lực lên chính phủ ngày càng leo thang trong nhiều vấn đề.
Cụ thể, các quan chức Thái Lan trong những năm gần đây thừa nhận lệnh cấm dù nghiêm ngặt và có phần cực đoan nhưng không kiềm hãm được tốc độ gia tăng của việc sử dụng TLĐT trong nước. Số liệu thực tiễn cho thấy tỷ lệ tội phạm buôn lậu, vi phạm quy định sử dụng TLĐT ở giới trẻ ngày càng gia tăng, bất chấp lệnh cấm và các hình phạt mang tính hình sự như bắt người hút TLĐT như bắt “tội phạm” tại nước này.
Do đó, tháng 9/2023 Quốc hội Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt để lấy kết quả cho việc điều chỉnh chính sách kiểm soát thuốc lá mới. Hai trong ba phương án được Ủy ban này đề xuất là quản lý chặt chẽ thay vì cấm đoán. Dự kiến trong thời gian tới, chính phủ Thái Lan sẽ có một bước ngoặt lịch sử cho những người hút thuốc tại đây với chính sách mới.
Tại Úc, mặc dù siết chặt kiểm soát TLĐT như dược phẩm kê toa, chính phủ nước này hiện đang chật vật ứng phó với tình trạng sử dụng TLĐT gia tăng trong học đường, đồng thời thất thu thuế của quốc gia. Theo báo cáo gần nhất của bang Nam Úc, số người từ 15-19 tuổi thường xuyên sử dụng TLĐT vào năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022, lên đến 15,1%. Trong 1,7 triệu người đang dùng TLĐT tại Úc, có đến 90% dùng hàng lậu. Đứng trên góc độ kinh tế, Cơ quan Thuế Úc ước tính mức doanh thu thuế bị thất thoát trong năm 2021-2022 là khoảng 2,3 tỷ đô la.
Do đó, mới đây Úc đã có thêm một động thái “xuống thang” khi điều chỉnh chính sách: Kể từ tháng 10/2024, người dùng TLĐT có thể mua hàng trực tiếp từ nhà thuốc mà không cần toa bác sĩ.
Gánh nặng cần cân nhắc nếu cấm thuốc lá mới
Cấm hay cung cấp hợp pháp TLLN, thuốc lá mới hiện đang là vấn đề thảo luận giữa các cơ quan bộ ngành hiện nay. Theo các đại biểu, vấn đề này cần sớm được thống nhất để lấp khoảng trống pháp lý dành cho các mặt hàng này trong 10 năm qua.
Trong đó, có ý kiến cho rằng cần bảo vệ sức khỏe cộng đồng nên cấm các mặt hàng này là cần thiết. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia và các ĐBQH, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, do đó nếu cấm các mặt hàng này cần tính đến các hệ lụy pháp lý. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đi sau, nên có thể cập nhật, tham khảo kinh nghiệm, dữ liệu đời thực từ các nước đi trước, từ những quốc gia còn áp dụng lệnh cấm như Thái Lan, Campuchia, Lào, cho đến những quốc gia áp dụng biện pháp quản lý như Nhật, Mỹ, Malaysia, và cả những quốc gia đảo ngược lệnh cấm sang quản lý như: Uruguay, Đài Loan, New Zealand, v.v.
Đặc biệt, các chuyên gia, đại biểu cũng đề nghị yếu tố nội lực về quản lý trong nước cần phải được đánh giá toàn diện.
Hiện Việt Nam đã khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN nhờ những cải thiện vượt bậc về môi trường kinh doanh. Thành tựu này càng trở nên nổi bật khi so sánh với những quốc gia đã sớm hợp pháp hóa TLLN, thuốc lá mới từ năm 2018 như Malaysia. Việc ngày càng tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc tham khảo, áp dụng những chính sách hiệu quả để thúc đẩy phát triển bền vững.
Xét về cả kinh tế và pháp luật, Việt Nam không thua kém các quốc gia ASEAN phát triển khác như Malaysia, Indonesia, Philippines… Đặc biệt, hệ thống pháp luật ổn định là thế mạnh giúp khả năng thích ứng của Việt Nam càng phù hợp hơn với những đổi mới mang tính công nghệ, như xe công nghệ hay thuốc lá mới.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012), Luật Đầu tư cùng với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia đã tạo nên một khung pháp lý toàn diện và cập nhật cho ngành hàng này. Điều này giúp Việt Nam có thể quản lý một cách hiệu quả các sản phẩm đã được WHO và các tổ chức quốc tế khác xác định là thuốc lá, như TLLN.
Do đó, việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng khoa học, dữ liệu đời thực và áp dụng theo nguyên tắc số đông các quốc gia đã quản lý TLLN thành công, sẽ giúp Việt Nam tránh được định kiến “quản không được thì cấm”, hoặc thuộc nhóm quốc gia cá biệt trong một số ngành nghề đặc thù như thuốc lá.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/neu-cam-thuoc-la-nung-nong-viet-nam-se-thuoc-nhom-cac-quoc-gia-ca-biet-19224092415450945.htm