Theo các chuyên gia, việc xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam sẽ mở ra một lĩnh vực tài chính, ngành nghề đầu tư, cơ hội mới, đó là mua bán quyền phát thải – tín chỉ các-bon.
Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Việt Nam là một trong gần 150 quốc gia đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 hay Net Zero tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Ngay sau COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị, đồng thời, đưa ra lộ trình tổng thể và khung pháp lý cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết.
Race to Net Zero – đúng như tên gọi – là một cuộc đua về giảm phát thải khí nhà kính của toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp đến mỗi cá nhân. Chiến dịch xuyên suốt đến 2050 này bao gồm rất nhiều hoạt động, từ kỹ thuật tới truyền thông cộng đồng, hợp tác quốc tế chuyển giao năng lượng công bằng; thực hiện kiểm kê khí nhà kính, phát triển các giải pháp hỗ trợ cho hệ thống MRV về kiểm kê khí nhà kính quốc gia…
Theo TS Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chiến dịch Race to Net Zero sẽ xây dựng và triển khai những cuộc thi về sáng kiến ý tưởng, giải pháp giảm phát thải, mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, tìm kiếm và thúc đẩy các start-up triển khai các giải pháp đột phá về công nghệ thu hồi, lưu giữ carbon, công nghệ xanh (hydrogen, amoniac xanh…); triển khai các hoạt động trồng cây trung hòa carbon tại các khu vực đất trống, đồi trọc, hạn hán, xâm nhập mặn. Những tổ chức, cá nhân xuất sắc trong Chiến dịch sẽ được tôn vinh tại Giải thưởng thường kỳ Net Zero Việt Nam.
Ngoài các yêu cầu thực hiện đối với những tổ chức, cơ sở phát thải lớn trên toàn quốc, Race to Net Zero cũng sẽ tập trung vào các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật kiểm kê, kiểm toán năng lượng, phát thải khí nhà kính cho các tổ chức, doanh nghiệp có phát thải chưa thuộc đối tượng bắt buộc của Chính phủ và các đơn vị niêm yết đại chúng (theo các quy định về công bố thông tin chứng khoán). Đồng thời hỗ trợ, tư vấn và thực hiện các hoạt động phát triển thị carbon tại Việt Nam theo hướng hội nhập, chủ động, chất lượng và liên thông với các thị trường trên toàn thế giới.
Thị trường các-bon đầy tiềm năng
Theo các chuyên gia, thị trường carbon hiện được xem như chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero và vận hành theo nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả mức phí bù đắp cho lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường. Số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), năm 2022, giá tín chỉ các-bon (1 tín chỉ bằng 1 tấn CO2 tương đương) cao nhất được giao dịch tại thị trường châu Âu là 87 USD/tín chỉ. Tại một số thị trường các-bon quốc gia, New Zealand là 50 USD/tín chỉ; Canada đang có mức giá 40 USD/tín chỉ, trong khi tại Hàn Quốc ghi nhận là gần 19 USD/tín chỉ. Đây là mức giá mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải trả cho lượng phát thải khí nhà kính của mình nếu không có giải pháp giảm phát thải.
Các chuyên gia WB nhận định, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050, giá các-bon tại các thị trường sẽ dao động trong khoảng 50 – 250 USD/tín chỉ. Theo xu thế các quốc gia toàn cầu gia tăng các nỗ lực giảm phát thải, dự báo giá carbon sẽ tăng trong thời gian tới và tại một số thị trường có thể đạt ngưỡng 150 USD/tín chỉ vào năm 2035.
Thông qua các nỗ lực giảm phát thải và giao dịch tín chỉ các bon, doanh nghiệp có thể thể hiện trách nhiệm xã hội bằng cách gần đạt được “mức phát thải khí nhà kính bằng 0 hay trung hòa carbon”.
Khi tham gia thị trường các bên liên quan đều hài hòa được lợi ích. Thị trường tuân theo quy tắc “Thuận mua – vừa bán”. Nhà nước sẽ thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ các hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon… Trong khi đó, bên bán carbon cũng sẽ hưởng lợi do là những đơn vị thực hiện tốt các giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo ông Phạm Cương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu, việc đầu tư dự án để tạo ra tín chỉ các bon, hay đầu tư để nắm giữ, trao đổi và mùa bán tín chỉ các-bon đều là kênh đầu tư an toàn, đón đầu xu thế giảm phát chung hiện nay. Doanh nghiệp tham gia vừa đáp ứng các yêu cầu pháp lý của Việt Nam, vừa phá bỏ được các rào cản thương mại liên quan đến thuế các-bon khi xuất khẩu các thị trường khó tính như EU, Mỹ hay sắp tới đây là Trung Quốc, Nhật… Cơ hội lợi nhuận cao trong bối cảnh giá tín chỉ các-bon tại Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon.
Để triển khai thị trường, hơn 1.900 doanh nghiệp (thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường) sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trong năm 2023.