Hướng tới kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) là dịp để chúng ta tưởng nhớ, biết ơn những tư tưởng tiến bộ, những đóng góp vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong đó, tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị to lớn trong lịch sử, mà còn là kim chỉ nam soi sáng con đường bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.
Tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại và là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng đối ngoại của Mác, Ăngghen, Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh còn được hình thành từ việc tổng kết thực tiễn sự nghiệp giữ nước của dân tộc và là cơ sở cho đường lối chiến lược, sách lược đối ngoại của Đảng ta. Nét đặc sắc trong tư tưởng đối ngoại của Người đó là luôn thể hiện một tư duy sắc sảo, sáng tạo, linh hoạt, khôn khéo và toàn diện.
Trước hết, theo Hồ Chí Minh, mục tiêu đối ngoại phải bảo đảm lợi ích quốc gia; độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hạnh phúc, tự do của nhân dân. Người nhấn mạnh, “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm” (1). Qua hoạt động đối ngoại, Người muốn gửi đến các nước trên thế giới thông điệp khẳng định: Việt Nam là một nước độc lập; Việt Nam thực hành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và hữu nghị với các nước “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chung sống hòa bình” (2). Trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, nguyên tắc bất biến là: “tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình” (3). Đồng thời, Người yêu cầu mọi người “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, tránh những hành động nóng vội; tránh ảo tưởng, trông chờ vào sự giúp đỡ của bên ngoài; phải luôn tỉnh táo để có những đối sách khôn khéo bảo đảm lợi ích của dân tộc cả trước mắt và lâu dài; vận dụng sáng tạo nghệ thuật ngoại giao tâm công của Hồ Chí Minh, “thuyết phục người, chinh phục người, tranh thủ người” bằng lẽ phải và đạo lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1961. (Ảnh: TTXVN)
Thứ hai, tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh thể hiện qua phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó, cần thấm nhuần quan điểm có tính nguyên tắc: chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái “bất biến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” (4). Thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nắm vững mục tiêu, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán khôn khéo, mau lẹ và kịp thời để ứng phó trước hoàn cảnh, tình thế trong từng trường hợp cụ thể. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” đối với hoạt động đối ngoại là sự kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo trong nhận biết, tạo dựng và nắm bắt cơ hội để bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Cái “vạn biến” là sự linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, Đảng ta nêu rõ: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển” (5).
Thứ ba, xây dựng mối đoàn kết quốc tế thống nhất; đối ngoại rộng mở.
Theo Người, để tập hợp và lôi kéo lực lượng quốc tế đoàn kết ủng hộ Việt Nam, trước hết, phải làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về truyền thống yêu chuộng hòa bình, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Bác cho rằng, “nước ta là một bộ phận của thế giới. Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta” (6). Do vậy, những hoạt động của nước ta luôn liên hệ với cuộc đấu tranh chung của lực lượng tiến bộ trên thế giới; nhưng phải độc lập, tự chủ, khôn khéo, bằng những biện pháp của riêng mình để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ lớn nhất của nhân dân tiến bộ. Song, “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã” (7). Phải thực hành chính sách đối ngoại rộng mở, chính sách mở cửa và hợp tác, chính sách hoà bình và quan hệ tốt; tránh đối đầu và không gây thù oán. Trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, cần tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng có thể, nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều cấp độ. Trong hoạt động đối ngoại phải phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế” (8).
Thứ tư, phát huy nội lực bên trong làm cơ sở tạo thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Hồ Chí Minh khẳng định, hoạt động đối ngoại phải dựa trên cơ sở sức mạnh bên trong, gồm sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa của đất nước, đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia (là thực lực). Muốn thắng lợi trên mặt trận ngoại giao phải có thực lực: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” (9). Ngoại giao phối hợp với chính trị, kinh tế, quân sự để bồi đắp thực lực, về phía ngoài nước, ngoại giao phải tạo điều kiện để gắn dân tộc với thời đại, tạo ra thế và lực mới nhằm đưa đến cải thiện so sánh lực lượng toàn cục giữa ta và các thế lực thù địch theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng nước ta. Ngoại giao góp phần quyết định làm thay đổi cục diện quốc tế của cuộc đấu tranh và góp phần tích cực vào thay đổi tương quan lực lượng ở chiến trường. Đó là nhiệm vụ, đồng thời là mục tiêu mà Người đặt ra và kiên trì phấn đấu từ khi khai sinh ra nền ngoại giao hiện đại Việt Nam. Mặt khác, thực lực ở đây không phải chỉ là sức mạnh quân sự hay sức mạnh của bản thân mỗi dân tộc. Đảng luôn coi trọng quy tụ “ý Đảng, lòng dân”, “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân” (10).
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là di sản tinh thần vô giá, là nền tảng sức mạnh và là “cẩm nang” để thực hiện thắng lợi, hiệu quả đường lối, chiến lược và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Hiện nay, đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế khi tình hình trong nước và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết để mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường tiềm lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân để đối ngoại đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.
Tài liệu tham khảo:
(1). Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.112.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập10, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.114.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.12.
(4), (9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.322, 147.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2021, 156-157.
(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.346.
(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.320.
(8), (10). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.155-156, 157.