Nét đẹp trò chơi dân gian trong lễ hội đầu xuân

Việt NamViệt Nam20/02/2025


Mỗi dịp xuân về, các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống tại các lễ hội lại thu hút đông đảo người dân tham gia, cùng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên không gian hội xuân đầy màu sắc và ý nghĩa.

Bên cạnh các nghi lễ rước, tế thần, phần hội với những trò chơi dân gian luôn được mọi người mong chờ. Những trò chơi này không chỉ mang lại không khí vui nhộn, mà còn góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống, phản ánh quan niệm về thiên nhiên và tinh thần đoàn kết của cộng đồng.

Đầu tiên phải kể đến trò tung còn, đây là trò chơi phổ biến của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại lễ hội đầu năm. Quả còn được người phụ nữ khéo léo khâu bằng nhiều múi vải màu sắc, bên trong nhồi hạt thóc, bông hoặc cát, có tua rua để định hướng khi tung. Sân tung còn là bãi đất rộng, ở giữa dựng cột làm bằng một cây vầu cao, bên trên có gắn khung hình tròn. Người chơi tung còn thật cao, trúng vào hồng tâm sẽ giành chiến thắng. Theo quan niệm dân gian, quả còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, người yên vật thịnh, mùa màng xanh tốt, bội thu đến cho con người.

Tham gia các hoạt động tại lễ hội đầu xuân của tỉnh, chị Phạm Thu Hương, du khách đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ: Cảm xúc khi tung còn trúng hồng tâm thật khó diễn tả. Không chỉ mình vui mà tất cả mọi người đều phấn khởi. Đây là lần đầu tiên tôi đến Cao Bằng, được tham gia chơi các trò chơi dân gian cùng bà con nơi đây đã cho tôi những trải nghiệm thú vị, khó quên.

Trò chơi lày cỏ tạo không khí sôi nổi, hào hứng tại hội xuân.
Trò chơi lày cỏ tạo không khí sôi nổi, hào hứng tại hội xuân.

Một trong những trò chơi khác thu hút đông đảo người dân và du khách là lày cỏ. Đây là trò chơi thể hiện sự tính toán, phán đoán và phản xạ nhanh nhạy của người chơi. Mỗi bên thành lập đội từ 2 người trở lên sau đó cử 1 người đại diện mỗi lượt để thi đấu. Người chơi xòe các ngón tay không theo quy luật nào và phải khớp nhịp điệu, ra ngón tay đồng thời với đối phương. Dựa vào sự phán đoán và đọc to các con số bằng ngôn ngữ Hán Nôm như: “nhất” là số 1, “nhị” là số 2, “slam” là số 3, “lục” là số 6..., quy định khi hô phải có đuôi, ví dụ, số 3 hô là “slam tỉm slam”, số 4 là “slế hồng slế”, số 6 là “loọc woảy loọc”... Người chơi đọc to các con số, nếu cộng các ngón tay hai người lại đúng bằng số đã đọc sẽ chiến thắng. Trò chơi này đem lại không khí sôi nổi, hào hứng cho cả người chơi và người cổ vũ. 

Đẩy gậy là trò chơi dân gian không thể thiếu trong những ngày trẩy hội đầu xuân ở các xã vùng cao. Dụng cụ để chơi là một cây gậy được làm từ gỗ chắc chắn hoặc những thân tre già, thẳng tắp dài 2 m. Cây gậy được mài nhẵn, có đường kính khoảng 5 cm. Trung điểm được dánh dấu để người chơi cùng trọng tài và khán giả dễ nhận biết, từ điểm giữa, hai bên được sơn hoặc dán khác màu. Tại khu vực thi đấu, người ta vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 5 m để hai người thi đấu bên trong, khán giả đứng ngoài vòng cổ vũ.

Khi các bên ở tư thế sẵn sàng, trọng tài hô to “chuẩn bị” sau đó thổi còi bắt đầu trận đấu. Hai bên dùng sức mạnh của mình đẩy cây gậy về phía đối phương. Kết quả được xác định khi một bên bị đối thủ đẩy ra khỏi vòng tròn, thi đấu 3 hiệp, bên nào thắng 2 hiệp đồng nghĩa với việc thắng cả trận đấu. 

Đến nay, trò chơi đẩy gậy được phổ biến rộng rãi, vượt ra khỏi trò chơi dân gian truyền thống vào mỗi dịp lễ, tết, hội xuân, trở thành môn thể thao quần chúng, được đưa vào các hội thi thể thao, ngày càng được nhiều người yêu thích.

Trò chơi dân gian bịt mắt đập bóng tại lễ hội chùa Đống Lân (Thành phố).
Trò chơi dân gian bịt mắt đập bóng tại lễ hội chùa Đống Lân (Thành phố).

Bên cạnh đó, bịt mắt đánh bóng cũng là một trò chơi mang đậm nét dân gian. Trò chơi này mang tính thử thách, rèn luyện sự phán đoán và khả năng định hướng của người chơi. Người tham gia sẽ bị bịt mắt, sau đó cầm một chiếc gậy và tiến về phía quả bóng để đánh theo sự chỉ dẫn của mọi người xung quanh. Trò chơi tạo ra nhiều tiếng cười và sự hào hứng cho cả người chơi lẫn khán giả.

Cờ tướng là một trong những môn thể thao diễn ra trong các dịp lễ hội, người chơi chủ yếu là trung niên và các cụ già. Bàn cờ tướng hình chữ nhật, có 32 quân (mỗi bên 16 quân). Hai người chơi có nhiệm vụ tấn công tướng của đối thủ, nếu tới phiên đi nhưng không có nước hợp lệ để đi, không bảo vệ được tướng bên đó sẽ bị thua. Môn thể thao này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao trong một cuộc đấu đầy trí tuệ mang đậm bản sắc dân tộc.

Ngoài các trò chơi trên, còn nhiều trò chơi dân gian khác được ưa chuộng tại các lễ hội như: bịt mắt bắt vịt, cờ người, đánh đu, đi cầu khỉ, nhảy bao bố... mang đến sự hào hứng, vui tươi, giúp người dân phấn khởi đón chào một năm mới tràn đầy sức sống và hạnh phúc. Cùng với niềm vui, giải trí, các trò chơi còn tạo nên sợi dây gắn kết cộng đồng, gia đình và mang giá trị văn hóa sâu sắc, là cầu nối giữa các thế hệ, giúp truyền tải những giá trị truyền thống, đạo đức và tinh thần cộng đồng. Trong nhịp sống hiện đại, việc giữ gìn và phát huy những trò chơi này không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mang lại cho thế hệ trẻ những trải nghiệm ý nghĩa và giàu tính nhân văn.

                       Vân Khánh



Nguồn: https://baocaobang.vn/net-dep-tro-choi-dan-gian-trong-le-hoi-dau-xuan-3175559.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available