Xứ Thanh không chỉ được biết đến là nơi có “rừng vàng, biển bạc”, mà còn “hội tụ” những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, chứa đựng những nét tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc của địa phương, được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Bà Ngô Thị Lý, thôn Trường Thành, xã Trường Giang (Nông Cống) đã dành trọn tâm huyết cho nghề làm nón lá.
“Xin ghé thăm Hồng Đô – Thiệu Hóa, thăm các đôi tay biết bao cô nàng, quay xa dệt ánh trăng vàng… gửi tới ai… Về Nga Sơn mua một đôi chiếu, tặng cho ai khi mùa xuân tới, đây chiếu Nga Sơn dệt bao mối tình… đôi lứa đã xinh thêm càng xinh…”. Những câu hát trong bài “Đường về Thanh Hóa” cũng như một lời khẳng định sự phong phú của làng nghề truyền thống trên mảnh đất xứ Thanh. Từ đồng bằng, ven biển cho đến miền núi, nơi đâu cũng có những làng nghề truyền thống được lớp người đi sau trân trọng, gìn giữ và coi như một “báu vật”. Tiêu biểu như các làng nghề mộc dân dụng, đúc đồng truyền thống, chế biến hải sản, mây tre đan, chế biến cói, dệt thổ cẩm…
Trong đó phải kể đến làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), nổi tiếng bởi sự phong phú, đa dạng với nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo được “kết tinh” từ những khối óc, bàn tay khéo léo của người thợ làm nghề. Theo các nghệ nhân trong làng kể lại: Từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đã đưa nghề đúc đồng về cho làng Trà Đông. Bởi vậy, ở làng có câu ca “Đất họ Lê – nghề họ Vũ”. Nhưng cũng có người nói rằng, nghề đúc đồng ở đây là do ông Khổng Minh Không, tổ sư nghề đúc đồng nước ta truyền dạy lại. Và dẫu đã trải qua bao thăng trầm của thời gian, tưởng chừng có lúc lửa nghề đã tắt, thế nhưng nhờ vào tâm huyết của nhiều nghệ nhân còn yêu nghề, tiếc nghề nên họ đã tiếp tục bám nghề và đưa nghề phát triển như hiện nay.
Tại xưởng đúc đồng của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, không khí lao động đang tấp nập, nhộn nhịp bởi tiếng đục đẽo, tiếng gõ búa của những người thợ. Ông Châu chia sẻ: Dù ở thời điểm nào thì nghề đúc đồng Trà Đông vẫn lưu giữ được những công đoạn thủ công và thực hiện theo phương thức truyền thống cha truyền con nối. Điều đó, không chỉ giúp sản phẩm làm ra được khách hàng lựa chọn, mà còn thể hiện bàn tay tài hoa cùng trí óc sáng tạo của những người làm nghề. Cũng bởi làm thủ công cho nên để có được sản phẩm đúc đồng đạt tiêu chuẩn, người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết, công đoạn như làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm… Người thợ đúc đồng phải như một họa sĩ, tự mình thiết kế mẫu mã, vẽ vào khuôn đất những họa tiết đẹp mắt như gửi vào đó niềm đam mê, tâm huyết. Để rồi niềm vui không thể diễn tả hết bằng lời những khi sản phẩm bằng đồng ra đời như chiêng đồng, đồ thờ, lư hương… có mặt ở hầu khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đỉnh cao nhất là đã nghiên cứu, phục dựng thành công trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống sau nhiều thế kỷ bị thất truyền. Những chiếc trống đồng, đồ đồng nơi đây đã vượt ra khỏi lũy tre làng, mang theo niềm tự hào của người dân Kẻ Chè góp phần mang lại diện mạo mới cho làng nghề… Hiện nay, cùng với việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề đúc đồng còn gắn kết với du lịch, dịch vụ để thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm. Từ đó, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm để yên tâm lựa chọn mua sắm.
Mỗi làng nghề là một môi trường văn hóa, kinh tế – xã hội và kỹ thuật truyền thống lâu đời, bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất đúc kết ở những nghệ nhân tài hoa. Về làng nghề làm nón lá Trường Giang, xã Trường Giang (Nông Cống), chúng tôi được hòa vào bầu không khí nhộn nhịp, đầm ấm của người dân. Cứ hai, ba nhà tập trung lại với nhau, từ người lớn đến các em nhỏ đều háo hức nói chuyện, bàn tay thì thoăn thoắt uốn lượn từng mũi kim. Mỗi một chiếc nón làm ra đều được thực hiện bằng tâm huyết, sự tỉ mẩn và khéo léo của những người thợ làm nghề. Cũng bởi vậy, nên dù đã “bén duyên” với nghề làm nón từ tấm bé, nhưng đến nay khi tuổi đã nhiều nhưng bà Ngô Thị Lý, thôn Trường Thành, xã Trường Giang vẫn dành trọn “tâm huyết” cho nghề. Vừa tỉ mẩn tạo hình cho những chiếc nón thêm sinh động, bà Lý vừa trò chuyện với chúng tôi: “Nghề làm nón nơi đây không ai nhớ rõ đã có từ khi nào, chỉ biết sinh ra là đã có nghề. Với những người làm nghề thì đây không chỉ là công việc kiếm sống mà còn là nghề gia truyền được lưu giữ từ nhiều thế hệ. Nón lá ở đây là sự hài hòa, cân đối với dạng chóp nhọn, vành rộng vừa phải, vừa mềm mại lại bền chắc, có màu trắng sáng đặc trưng. Để làm ra một sản phẩm – tác phẩm đẹp, bền là cả một nghệ thuật của người làm nghề từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm để hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng rồi bảo quản. Có lẽ cũng nhờ sự tỉ mỉ, chau chuốt và khéo léo của những người thợ trong mỗi công đoạn mà nón Trường Giang được rất nhiều du khách ưa chuộng. Nhờ đó, nghề làm nón đã giúp nhiều gia đình ở địa phương có cuộc sống ổn định.
Trải qua bao biến thiên của thời gian và lịch sử thì các làng nghề vẫn là nơi lưu giữ các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo và mang đậm dấu ấn văn hóa của địa phương. Bởi vậy, để gìn giữ tinh hoa văn hóa làng nghề, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đặc biệt coi trọng, tập trung đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng các công trình kiến trúc, hoạt động văn hóa – tín ngưỡng dân gian trong khu vực làng nghề. Những nét đẹp văn hóa làng nghề như phong tục, tín ngưỡng thờ tổ nghề… luôn được quan tâm bảo tồn, phát triển. Cùng với đó, các địa phương, những người làm nghề đã quan tâm kết hợp làng nghề và hoạt động du lịch góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của nghệ nhân làng nghề và hỗ trợ “xuất khẩu tại chỗ”, giải quyết đầu ra cho sản phẩm làng nghề…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt