Miếu Đôi nằm ở làng Tiền Bạt, xã Trung Tiết (nay khối phố Tiền Giang, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh). Hiện nay, không có tài liệu nào chứng thực Miếu Đôi được xây dựng từ thời gian nào cụ thể.
Nơi đây diễn ra lễ cầu mưa (lễ khai hạ) của những người nông dân trong vùng, cầu được mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, thể hiện tín ngưỡng và khát vọng của người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Miếu Đôi nằm gần sông Rào Cái, sát ngã ba sông Cụt, phía trước là cây đa cổ thụ đã 700-800 tuổi. Khu vực này vốn là vùng đất chuyên sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, lễ cầu mưa ở vùng này là một trong những nghi thức quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh và văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Duy Ngân, Bí thư Đảng ủy phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh, cho biết: Lễ hội cầu mưa ở đền Miếu Đôi được người dân nơi đây tổ chức vào ngày mồng bảy tháng giêng và ngày mười lăm tháng sáu âm lịch hàng năm. Nhân dân về đây làm lễ cầu mưa, tổ chức đua thuyền, bơi chải.
Đây là một trong những tín ngưỡng thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, những vị thần sông, thần đất ấy ngày đêm có tác động không nhỏ đến sự an cư của người dân nơi đây, bởi vậy người dân thờ thần, tế thần.
Thời điểm để tổ chức lễ cầu mưa của người dân vào tháng Giêng và giữa tháng sau. Đó cũng là thời điểm để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Lễ hội gồm 2 phần: phần nghi lễ cúng mời các vị thần linh và thế lực siêu nhiên về chứng giám, phần hội với các trò chơi dân gian.
Nghi lễ cầu mưa của người dân nơi đây được chuẩn bị rất công phu. Đồ lễ dâng lên các vị thần linh với đầy đủ các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp. Trước bàn thờ, thầy cúng khấn mời các thần linh về thụ lễ và chứng giám, phù hộ cho người dân được ấm no, hạnh phúc.
Những vật dụng được dùng trong lễ cúng gồm có bình rượu, dĩa…, đọi bát. Theo truyền thống, đây là những vật dụng chỉ được dùng cho việc cúng tế, ngày thường không được lấy ra sử dụng.
Bà Lê Thị Hà- Người lớn tuổi trong làng cho hay: Lễ hội cầu mưa của nhân dân Tiền Bạt từ bao đời được thực hiện ở Miếu đôi, chứa đựng khát vọng tha thiết, mãnh liệt về tín ngưỡng cầu mưa rất thiêng liêng của người nông dân từ xa xưa.
Ngoài hai ngày lễ chính, hàng năm, vào ngày rằm, mồng một, các ngày lễ tết, nhân dân trong vùng và khách thập phương thường đến thắp hương, tưởng niệm, là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân nhằm phát huy, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống để tạo động lực, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Ngoài lễ cầu mưa có giá trị tín ngưỡng quan trọng của cư dân, Miếu Đôi còn có giá trị văn hóa lịch sử quan trọng. Tương truyền, Miếu Đôi đã có từ lâu đời, nơi thờ phụng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Thái Úy Tô Hiến Thành thời nhà Lý, những người đã có công trong sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm, khai khẩn đất đai, chiêu dân lập ấp, mỡ mang bờ cõi giang sơn đất nước vào những năm cuối thế kỷ XI-XII, được nhân dân nhiều nơi ở Nghệ Tĩnh tôn làm Thành Hoàng của làng.
Trong thời kỳ thành lập Đảng cộng sản Đông Dương, từ năm 1930 đến tiền khởi nghĩa năm 1945 là nơi họp của các Đảng viên thuộc Chi bộ xã Trung Tiết. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Miếu Đôi bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, toàn bộ kiến trúc của đình phụ bị san phẳng, chỉ còn lại đình chính.
Miếu có khuôn viên 6000m2 (sáu nghìn mét vuông) với hệ thống nhà thượng điện, trung điện và các điện thờ chính của đình chính, đình phụ (đã bị chiến tranh tàn phá) là một công trình kiến trúc được lưu giữ qua bao thế hệ, trải qua hàng trăm năm tồn tại vẫn giữ được nhiều nét cổ kính và uy nghiêm.
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Do đó, chính quyền, nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp công đức, cùng với sự nhiệt tình của các cụ trong Hội người cao tuổi đã tiến hành trùng tu, tôn tạo gìn giữ, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân và phát huy những giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa truyền thống.