Đối với những “game thủ” thế hệ 8x, 9x, quán net chật kín, luôn ám mùi mồ hôi, khói thuốc lại là nơi khởi nguồn những đam mê bất tận của tuổi trẻ một thời. Thế nhưng, trong xu thế “màn hình dọc”, những tiệm net nhỏ dần trôi vào dĩ vãng…
Ngược dòng thời gian trở về thời điểm những năm 2000, khi game online và các tiệm net mới xuất hiện, quán net luôn đông nghịt người dù thời đấy thậm chí chưa có internet cáp quang. 1 người chơi và 3 – 4 người đứng xem hoặc chờ dùng máy có lẽ cũng là kỷ niệm của giới trẻ thời ấy. Vào thời điểm máy tính cá nhân, điện thoại thông minh chưa phổ biến, việc truy cập internet để kết nối với thế giới ảo rộng lớn hầu như xuất phát từ những tiệm “net cỏ”.
Đến quán net thời “sơ khai”, không khó bắt gặp những thanh thiếu niên, nam thì say mê các tựa game như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Đế chế, Half-Life, Kiếm Thế, muộn hơn là Dota, Liên Minh Huyền Thoại; còn các thiếu nữ thì mải mê với Yahoo, Zing, Blog 360, Audition, Gunny… Thời đó, máy tính là một tài sản lớn, không dễ để sở hữu một chiếc máy cá nhân. Tại các tiệm net, thậm chí chủ tiệm còn chia riêng những máy tính cấu hình không cao chỉ dành cho khách lướt web hoặc chơi những game đồ họa nhẹ; dàn máy chơi game cấu hình cao hơn sẽ ở khu vực riêng dành cho những “game thủ”.
Để tìm lại cảm giác ngồi net, chúng tôi chọn một quán trên đường Tuệ Tĩnh (thành phố Lào Cai) trải nghiệm. Không giống như xưa, quán net hiện nay được thiết kế hiện đại với ghế, tai nghe, bàn phím, chuột đều là loại dành riêng cho giới mê game. Thế nhưng, dù là cuối tuần, dàn máy 60 chiếc chỉ chừng 15 khách. Anh Nguyễn Mạnh Cường, người từng được khách quen của quán ví von là “đại gia tiền lẻ” bởi ngày trước anh có thể thu đến vài chục triệu đồng mỗi ngày chỉ bằng “tiền lẻ” thu từ dịch vụ quán net.
Anh Cường nhớ về khoảng thời gian trước đây, vào những ngày cao điểm, đặc biệt là dịp cuối tuần, sau 19 giờ, giàn máy tại quán luôn được lấp kín. Những ai chậm chân thì chỉ biết đứng xem ké cho đỡ “thèm”. Nhưng giờ đây, khi nhìn khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ, anh chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
“Từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm nhiều, cho đến nay chỉ còn khoảng 1/4 so với trước. Thu nhập cũng vì thế mà giảm, thậm chí có những ngày chỉ thu được vài trăm nghìn, bao gồm cả dịch vụ ăn uống. Khách đến quán chủ yếu là khách quen, ra quán chơi cùng bạn bè cho vui”, anh Cường nói.
Theo anh Cường, có nhiều lý do dẫn đến việc quán game không còn sức hút như ngày trước, trong đó thói quen và nhu cầu của khách hàng đã thay đổi là nguyên nhân chủ yếu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc ngồi tại nhà chơi game đã trở thành thói quen với nhiều người. Ngoài ra, những tựa game trên điện thoại ngày càng phát triển và thu hút người chơi hơn so với những game trên máy tính. Việc ra quán net không còn là ưu tiên của giới trẻ có nhu cầu giải trí.
Việc có 15 khách ngồi máy vẫn còn được coi là “khá” trong điều kiện không ít quán net đã đóng cửa. Những khách hàng quen thuộc đã thay đổi thói quen, những khách hàng tiềm năng, thuộc thế hệ “gen Z” thì có xu hướng dùng “màn hình dọc”, nghĩa là truy cập internet, kết nối với thế giới bằng điện thoại thông minh.
Tại xã Bản Lầu (Mường Khương), quán net của bà Trần Thị Oanh là quán duy nhất còn hoạt động. Được biết, năm 2016 trở về trước, khi quán net được nhiều người trẻ chọn lựa để giải trí, gia đình bà Oanh mở 2 cơ sở. Do những quy định về hạn chế tiếp xúc khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Oanh đã đóng cửa quán. Đến năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, gia đình bà mở lại 1 cơ sở nhưng khách xưa chẳng còn đến nữa, khách mới chỉ lác đác vài người ghé qua.
Bà Oanh ngậm ngùi: Trước đây khách đông, đặc biệt là buổi tối, ngày nghỉ thì khách kín cả 44 máy. Ngoài tiền dịch vụ net, khách thường gọi thêm đồ uống, đồ ăn nên thu nhập cũng khá. Giờ đây hầu như không còn khách, ngày nghỉ thì được vài người đến chơi. Trong khi đó, tiệm net vẫn phải duy trì mua dịch vụ game, internet từ các đại lý cung cấp dịch vụ hàng tháng. Tôi dự định đóng cửa quán, nhưng chưa thanh lý được …
Điều này cũng dễ hiểu khi mà lật lại mốc thời gian trong quá khứ, gần như nếu muốn chơi các tựa game có đội hoặc hội tụ bạn bè, quán “net cỏ” là phương án duy nhất. Ngày nay, nhiều ứng dụng, mạng xã hội ra mắt, nhiều tựa game có tính năng đàm thoại trực tiếp trong lúc chơi giúp khả năng liên lạc online giữa các game thủ tốt hơn rất nhiều, thay vì phải chơi cạnh nhau như trước đây. Lượng người chơi “net cỏ” vì thế cũng giảm mạnh, việc ra quán net dần trôi về dĩ vãng.
Nếu như hỏi một số “game thủ” trẻ tuổi về các tựa game phổ biến ở Việt Nam thời điểm hiện tại, sẽ chẳng khó để thấy điểm chung của chúng đều thuộc thể loại game mobile. Bởi vậy, thay vì quán net, các quán cafe, đôi khi là trà đá vỉa hè lại thường được nhiều game thủ chọn làm địa điểm tụ tập.
Sự thay đổi xu hướng giải trí đã khiến những quán “net cỏ” – nơi thỏa mãn đam mê của thế hệ trẻ lùi về thời xa vắng. Hình ảnh các quán net “full” máy, giờ chỉ còn là những kỷ niệm của những người trẻ một thời, đang chuyển mình cùng công nghệ số.