Kỳ vọng vào bất động sản
Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bước sang quý II, quý III, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý.
Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính…; cùng với việc các vướng mắc trên dần được tháo gỡ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng đánh giá tích cực về thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông Châu, thị trường bất động sản trong năm 2023 vẫn có những “điểm sáng” tích cực, sẽ hồi phục và không rơi vào khủng hoảng. Đến giữa năm 2023, tức là kết thúc quý II, thị trường sẽ ổn định và trở về quỹ đạo vốn có của nó thay vì chuyển thành là những gam màu xám.
Dù vậy, để thị trường bứt phá cần có một số yếu tố nhất định, nhất là dòng vốn, bao gồm trái phiếu và các chính sách tín dụng được nới lỏng.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn, nếu đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng được nới lỏng thì sẽ kích thích đà phục hồi nhanh hơn.
“Một tin vui là cuối năm 2022, Chính phủ đã thành lập tổ công tác gỡ khó cho bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi đang được đệ trình Quốc hội thông qua. Như vậy, bất động sản hoàn toàn có thể kỳ vọng phục hồi sớm hơn, dự kiến vào khoảng cuối năm 2023”, ông Quốc Anh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, sang năm 2023, khi có room tín dụng mới, thị trường bất động sản sôi động hơn so với hiện tại. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ. Song, ông Đính cho rằng sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022.
Có nên đầu tư bất động sản ở thời điểm này
Nếu tín dụng được nới lỏng trong năm 2023, theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, sẽ có 3 loại hình BĐS được hưởng lợi và hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Tuấn cho rằng, loại hình BĐS nào bị ảnh hưởng nhiều nhất khi siết tín dụng thì sẽ khởi sắc khi nới tín dụng. Trong hoàn cảnh nào, nhà đầu tư cũng nên lựa chọn loại hình đầu tư ít chịu ảnh hưởng nhất.
Thị trường đang tập trung về giá và nhu cầu ở thực nên loại hình nào đáp ứng được hai tiêu chí này thì dù “siết” hay “nới” cũng ít bị ảnh hưởng nhất.
Theo ông Tuấn, thực tế, loại hình đầu tư nào tạo ra lợi nhuận cao cũng sẽ đi kèm với nhiều rủi ro. Một trong những loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất khi siết tín dụng là đất nền. Đây là loại hình có tính đầu cơ cao, không cần có dòng tiền hàng tháng nhưng lợi suất tại những khu vực tiềm năng có tốc độ tăng giá rất cao.
“Vấn đề là khi siết tín dụng thì chủ đầu tư không đáo hạn được nợ, không đáo hạn được trái phiếu, không xử lý được hàng tồn khiến dòng tiền của doanh nghiệp càng gặp khó, không có động lực để đưa hàng tồn ra thị trường. Lúc đó, câu chuyện nhà đầu tư F1 hoặc sơ cấp có lời hay không sẽ bị ảnh hưởng và tác động ngược lại thị trường. Như vậy, khi nới tín dụng thì đất nền sẽ là loại hình rất tiềm năng”, ông Tuấn phân tích.
Đại diện Batdongsan.com.vn nhận định, loại hình thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề thời gian qua là BĐS nghỉ dưỡng, nên đây cũng sẽ là loại hình đầu tư thuận lợi khi nới tín dụng. Bởi Việt Nam đang có tốc độ về tăng trưởng khách du lịch nước ngoài khá tốt. Kỳ vọng khi nới lỏng tín dụng, các chủ đầu tư sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.
Tiếp đến, chung cư cao cấp hoặc nhà phố giá trị cao là nhóm tiếp theo được hưởng lợi khi nới tín dụng. Đây là loại hình thường xuyên được các nhà đầu tư lựa chọn. Nguồn cung ngày càng hạn chế và giá cao là yếu tố tích cực cho nhà đầu tư lướt sóng vì nhóm này cần đòn bẩy tài chính rất lớn.