Bà Lê Thị T. (67 tuổi) sống ở Hà Nội chia sẻ, sau khi mức lương hưu được điều chỉnh tăng 15%, lương của bà tăng lên được 3,2 triệu đồng/tháng.

Mức lương này sống ở Hà Nội không đủ để bà chi tiêu sinh hoạt, do vậy phải sống dựa vào con cái khi tuổi già yếu. “Tôi sợ nhất là bệnh tật tuổi già, vì lương hưu thấp, mức sống tối thiểu chưa đủ nên khi ốm đau phải nhờ con cái”, bà T. nói.

Thực tế hiện nay mức lương hưu giữa người cao nhất và người thấp nhất có sự chênh lệch lớn.

Người hưởng cao nhất 140 triệu đồng nên so với người hưởng mức bằng lương cơ sở 2,34 triệu thì chênh nhau tới 60 lần. Khi tăng lương hưu với mức “cào bằng” thì sự chênh lệch lại càng lớn hơn.

Tăng hơn cho người hưởng mức lương hưu quá thấp

Từ ngày 1/7/2024, lương hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024. 

Theo đó, với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng;

Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.

phat luong huu (6).jpgChí hiếu
Nhiều người có. mức lương hưu rất thấp dù đã được tăng lương nhiều lần. Ảnh minh hoạ: Chí Hiếu.

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định trên là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, những người về hưu trước năm 1995 có mức lương hưu thấp so với mặt bằng chung. Do vậy, việc nhà nước tiếp tục tăng lương hưu cho họ đã thể hiện chính sách ưu đãi đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực nhà nước giai đoạn trước.

Theo Luật BHXH 2024 từ 1/7/2025 sẽ thực hiện tăng lương hưu thỏa đáng đối với người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm đảm bảo thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Tuy nhiên, ngoài những người có mức lương hưu quá thấp được điều chỉnh tăng cao như trên, thì hiện nay đa số người về hưu hưởng mức lương  5-6  triệu/tháng. 

Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, số người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH có mức hưởng bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này vẫn chưa thể đảm bảo cuộc sống tuổi già.

Nên tăng tỷ lệ cao hơn cho người có mức thấp

Một chuyên gia lao động tiền lương cho rằng, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia. Tuy nhiên, chính sách hiện nay chưa đảm bảo được nguyên tắc “chia sẻ giữa những người tham gia BHXH”.

Việc điều chỉnh lương hưu dựa trên tỷ lệ phần trăm theo tỷ lệ trượt giá được ban hành hàng năm, đối với những người có mức lương hưu cao không ảnh hưởng lớn so với thu nhập họ đang được hưởng.

Ngược lại, người đang hưởng mức lương hưu thấp được điều chỉnh tăng nhiều hơn sẽ có tác động rất tích cực bản thân họ và cả xã hội.

“Cùng tăng lương hưu 15% nhưng vừa qua người hưởng lương cao được tăng thêm vài triệu, thậm chí có người tăng hàng chục triệu. Trong khi người có mức lương hưu thấp chỉ tăng có vài trăm ngàn.

Sự chênh lệch này cần được tính toán theo hướng tăng tỷ lệ cao hơn cho người hưởng lương hưu thấp, tăng mức thấp cho người đang hưởng lương hưu cao. Như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia BHXH”, vị chuyên gia lao động tiền lương cho nói.