Lãi gần 5 triệu đồng/lượng sau nửa tháng
Trong nửa tháng gần đây, thị trường vàng trong nước “dậy sóng” khi giá vàng SJC tăng không ngừng nghỉ. Tới trưa 26/12, kim loại quý này vọt lên mức cao không tưởng 80,20 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 79,20 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Còn so với ngày 15/12, giá vàng SJC đã tăng 5,8 triệu đồng/lượng, tương đương 7,8%. Trừ đi 1 triệu đồng/lượng chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra, chỉ sau nửa tháng, nhà đầu tư đã lãi 4,8 triệu đồng/lượng, tương đương 6,5%. Đây là tỷ suất sinh lời rất cao.
Mặc dù giá vàng đã tăng rất mạnh, tăng đến mức không tưởng nhưng nhà đầu tư vẫn không đổ xô đi giao dịch như trước đây. Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết trong sáng 26/12, tại các cơ sở kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vào chiếm 55%, lượng bán ra chỉ là 45%. Tỷ lệ này không đổi trong suốt thời gian dài tại “nhà vàng” này.
Trong khi đó, “bên bán” cũng không vội vàng. Anh Thanh Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội), người mua vàng từ hồi tháng 6/2023 cho biết thời điểm này chắc chắn anh không mua vào. Còn bán ra hay không thì anh cân nhắc thêm.
“Trong cùng một khoảng thời gian, tôi mua cả vàng và chứng khoán. Hiện tại, cổ phiếu của tôi gần như đi ngang. Trừ đi phí giao dịch thì lỗ không đáng kể nhưng mà vàng đang sinh lời tốt. Dù vậy, tôi coi vàng là nơi trú ẩn an toàn nên không có ý định bán ra trừ khi có việc cấp bách. Nếu giá vàng tiếp tục lên thì tôi vui với lợi nhuận lớn. Nếu chẳng may giá giảm thì cũng không vấn đề gì vì tôi có quan điểm sẽ để dành khoảng 5% tổng tài sản vào vàng và nắm giữ lâu dài”, anh Tùng chia sẻ quan điểm đầu tư.
Không nên mua vào vàng
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công Luận về đà tăng điên rồ của giá vàng trong nước, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết giá vàng tăng mạnh trong thời gian này chủ yếu là do tâm lý.
“Có 3 yếu tố khẳng định thị trường đang bị dẫn dắt bởi tâm lý. Đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước – giá vàng thế giới, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra vàng SJC quá cao và giá vàng tăng quá mạnh trong 1 ngày. Hiện tại, thị trường xuất hiện cả 3 yếu tố này”, TS Nguyễn Minh Phong bình luận.
Bên cạnh tâm lý thị trường, chênh lệch cung – cầu cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường vàng nóng sốt. Hiện tại, cầu không cao vượt trội nhưng nguồn cung lại ít hơn vì Nhà nước không cho dập thêm vàng SJC nữa.
Khi được hỏi có nên mua vào vàng lúc này hay không, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định không nên vì: “Giá vàng tăng quá cao, không thể cao mãi được. Hiện tại, giá vàng SJC đã đắt hơn giá thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng. Đây là rủi ro lớn. Đương nhiên, những ai ham đầu cơ sẽ mua vào. Tuy nhiên, họ sẽ đối diện với rủi ro giá xuống”.
Trả lời phóng viên báo Nhà báo và Công Luận, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng mức chênh giữa giá vàng thế giới và giá trong nước chỉ tối đa 5 triệu đồng/lượng, mức chênh giữa giá mua vào và bán ra chỉ là 500.000 đồng/lượng. Nếu chênh lệch cao hơn những con số này thì rủi ro cho nhà đầu tư là rất lớn.
Cùng quan điểm với ông Hiếu, ông Phong nhận định thêm rằng giá vàng trong nước không nên chênh lệch quá lớn với giá thế giới như vậy. Đây là kết quả của cơ chế hành chính qua sự tác động của Nghị định 24.
Nghị định 24 được đánh giá là góp phần quan trọng hạn chế tình trạng vàng hóa. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn trong kỳ họp Quốc hội diễn ra trong ngày 8/6 và 9/6, nhiều đại biểu chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về tình trạng giá vàng tăng quá cao và chênh lệch giữa giá vàng trong nước – thế giới quá lớn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để xem chúng ta lựa chọn như thế nào, nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước thì lúc đó chúng tôi cũng sẽ đánh giá, phân tích tác động và xin ý kiến, chắc chắn sẽ xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.”
Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sẵn sàng điều tiết giá vàng nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.