Đăng ký nguyện vọng đại học 2024: Nên mạo hiểm chọn trường top đầu có điểm chuẩn cao hay chọn trường an toàn?
Số liệu của Bộ GDĐT cho thấy, năm 2024, cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống (năm 2023 là 1.024.063). Số thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344 (năm 2023 là 37.841).
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT, tính đến 12h ngày 29/7, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GDĐT là 702.762 thí sinh, tăng khoảng 60.000 so với tổng số thí sinh đã đăng ký năm 2023. Thí sinh sẽ kết thúc quá trình đăng ký nguyện vọng đại học 2024 vào 17h ngày 30/7.
Ở ngày cuối đăng ký nguyện vọng 2024, nhiều thí sinh còn băn khoăn về lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng thế nào, nên mạo hiểm chọn trường top đầu có điểm chuẩn cao hay chọn trường an toàn?
Về vấn đề này, TS. Vũ Tuấn Lâm – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nhận định, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có nhích nhẹ so với năm ngoái, nên thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái khi đăng ký nguyện vọng nên cân nhắc. Nhưng thí sinh cũng không nên quá rụt rè bởi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, chỉ cần cân nhắc để lựa chọn đúng ngành nghề mình thích. Ngoài ra, nếu phương án xét điểm thi tốt nghiệp THPT mạo hiểm, thì thí sinh nên tận dụng lợi thế với các nguyện vọng xét tuyển sớm.
Dành lời khuyên cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng, Ths. Nguyễn Thị Hồng Huệ – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, thí sinh cần nắm chắc thời gian đăng ký xét tuyển của Bộ GDĐT, từ ngày 18/7 đến 30/7. Riêng đối với các thí sinh trúng tuyển sớm, từ 22/7 đến 31/7 muốn nhập học, phải xác nhận trên Hệ thống Bộ GDĐT, Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nếu chưa muốn nhập học ngay, thí sinh vẫn đăng ký xét tuyển nguyện vọng khác trên hệ thống của Bộ, nếu trúng tuyển thì xác nhận nhập học theo lịch chung của Bộ GDĐT.
Bên cạnh đó, thí sinh lưu ý đóng lệ phí đăng ký xét tuyển, thời gian trước 17h ngày 19/8 các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp và danh sách trúng tuyển chính thức.
Sau đó từ ngày 19/8 đến 17h ngày 27/8, thí sinh trúng tuyển chính thức xác nhận nhập học trên Hệ thống của Bộ.
“Đây là những mốc để hoàn thành trên hoàn thành đăng ký xét tuyển đại học 2024, nếu bỏ lỡ bước nào đó thì việc xét tuyển không còn ý nghĩa nữa”, Ths. Nguyễn Thị Hồng Huệ nói.
Đồng thời, Ths Huệ thông tin, để đảm bảo an toàn khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm 2023 của ngành mà mình đăng ký, nếu điểm bằng, thấp hơn, cao hơn thì có thể mạnh dạn đăng ký, và đồng thời dự trù các ngành, trường có điểm năm ngoái thấp hơn điểm thi của mình.
Đăng ký nguyện vọng đại học 2024 như thế nào là thông minh?
Tại chương trình tư vấn Đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông minh, Ths Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM cho biết, trong thời điểm đăng ký nguyện vọng đại học 2024, thí sinh sẽ bị nhiều yếu tố tác động, có nhiều câu hỏi đặt ra như làm sao trúng tuyển ngành mình thích, học gì có việc làm thế nào, hoặc nghe bạn bè…, sau đó suy nghĩ về việc điều chỉnh nguyện vọng khi sắp kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng.
Tuy nhiên, Ths Nguyên khuyên, thí sinh chỉ điều chỉnh nguyện vọng khi thấy cần thiết, khi thấy ngành học đó không phù hợp với mình, nghe sự góp ý của gia đình, chuyên gia…
“Năm 2023, sau khi có kết quả đăng ký nguyện vọng thì 120.000 thí sinh trúng tuyển không xác nhận nhập học, những thí sinh này có thể không theo học vì không phù hợp, lựa chọn tốt. Vì vậy, nếu không có thay đổi về ngành, về trường, chính sách ưu đãi thì không nên điều chỉnh nguyện vọng”, Ths Nguyên nhận định.
Ths Nguyên cũng nói thêm, để chắc chắn về nguyện vọng mình lựa chọn, thí sinh nên dựa vào sở trường của mình, sau đó tìm hiểu về môi trường học tập, chính sách ưu đãi học bổng của trường học, xác định yêu cầu cần thiết của ngành nghề, đặc biệt cần cân đối giữa điểm sàn và điểm chuẩn.
“Đăng ký nguyện vọng thông minh là đăng ký ngành học để quá trình học tập, ra trường đi làm diễn ra trọn vẹn, ra trường thành công”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM nhấn mạnh.
Ths Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng ở thời điểm này, các thí sinh đang ở vị trí khó, chịu nhiều áp lực từ thông tin xã hội, gia đình, bạn bè.
“Chúng ta hay lựa chọn nghề vì nghĩ đi cùng nhóm bạn, học cùng trường dễ hỗ trợ nhau, đặc biệt các bạn ở tỉnh đi học ở xa. Các bạn chịu nhiều áp lực vì chưa hiểu bản thân mong muốn, khao khát gì. Theo tôi, đặt nguyện vọng thông minh là hiểu muốn gì, khao khát gì đi đâu trong tương lai. Để hiểu bạn chỉ có bản thân bạn tốt nhất. Nếu lựa chọn của bạn chưa thực sự phù hợp với mong muốn của người thân thì bạn chứng minh nó đúng bởi bạn có năng lực, khao khát và chọn là phải chịu trách nhiệm với lựa chọn đó. Không có lựa chọn tối ưu, lựa chọn nào cũng được, lựa chọn tốt nhất là lựa chọn phù hợp nhất. Thành công không có nghĩa là học ra là thành công, chỉ cần chịu khó, nỗ lực và cố gắng con đường nào cũng thành công”, Thạc sĩ Cao Quảng Tư nhắn nhủ.
Còn Ths Nguyễn Trần Ngọc Phương – Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Công nghệ TP.HCM góp ý với thí sinh, mỗi bạn có một thiên hướng khác nhau, ứng với đặc tính tâm lý của mình nên hãy chọn môi trường phù hợp.
Ths Phương cũng cảnh báo thí sinh, không để ngày cuối mới đăng ký nguyện vọng bởi có thể gặp lỗi kỹ thuật không xử lý kịp thời.
“Ngày cuối, thí sinh nên dành ra buổi sáng kiểm tra các nguyện vọng đã đăng ký xem còn không, nếu không còn thì nhờ hỗ trợ từ thầy cô, khắc phục lại nguyện vọng. Sau khi xong bước nào chụp màn hình lại xem đã làm đúng hay chưa, không cần thay đổi thì không nên thay đổi”, Ths Phương nói.
Nguồn: https://danviet.vn/sat-gio-chot-dang-ky-nguyen-vong-2024-nen-mao-hiem-chon-truong-top-hay-truong-an-toan-20240729154743208.htm