Lãi suất cho vay thực tế chưa giảm tương ứng, khả năng tiếp cận được vốn tín dụng giá rẻ chưa được tích cực, chuyên gia phân tích từ VPBankS cho rằng, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn tiền rẻ.
Toạ đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền – Tích luỹ – Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5/3. |
Lãi suất thấp nhưng chưa rẻ
Chia sẻ tại toạ đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền – Tích luỹ – Bứt tốc” với sự tham gia của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty chứng khoán do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5/3, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS cho rằng, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn tiền rẻ, kể cả khi mặt bằng lãi suất điều hành đang thấp hơn giai đoạn năm 2019.
Theo chuyên gia từ VPBankS, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc khá nhanh trong nửa cuối năm 2023, nhưng mang nhiều tính kỹ thuật. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất điều hành dù đang thấp hơn năm 2019 nhưng lãi suất cho vay thực tế chưa giảm tương ứng so với mặt bằng lãi suất huy động khi vẫn có độ “vênh” lớn. Cùng đó, khả năng tiếp cận được vốn tín dụng giá rẻ chưa được tích cực như chu kỳ tiền rẻ giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS. |
Ông Sơn cho rằng, việc điều hành lãi suất sẽ cần phải chờ đợi thêm những yếu tố khác như thời điểm hạ lãi suất của Fed, mức hạ lãi suất cụ thể. Trước đây, thị trường từng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất tháng 3 – tháng 5 nhưng hiện đã đẩy lùi sang nửa cuối năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, việc hạ thêm lãi suất điều hành trong khi lãi suất USD chưa hạ sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Do vậy, sẽ rất khó hạ sâu hơn nữa ở thời gian tới.
Dòng tiền tìm đến kênh đầu tư hiệu quả cao
Dù vậy, lãi suất huy động đang tiếp tục ở mức thấp vẫn đang là yếu tố tích cực để tạo sự xoay chuyển dòng vốn từ nơi hiệu quả thấp sang nơi hiệu quả cao hơn. Theo ông Sơn, thị trường chứng khoán vẫn là nơi đón dòng tiền này.
Nhìn lại sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối 2023 và đầu 2024, nhiều yếu tố lớn tác động được ông Sơn chỉ ra.
Thứ nhất ở phương diện thị trường quốc tế, rủi ro đã giảm bớt khi lo ngại về việc kinh tế thế giới rơi vào suy thoái hồi đầu năm 2023 đã không xảy ra. Sau giai đoạn siết chặt tiền tệ rất chặt tay của Fed nửa cuối năm 2023, hệ quả Silicon Valey Bank phá sản đã khiến Fed hành động quyết liệt hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính và đặc biệt hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ. Fed cũng đã tạm dừng tăng lãi suất thời gian qua và được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất vào năm 2024. Với các yếu tố này, chứng khoán Mỹ đã đi lên bền vững đáy, dù cũng có giai đoạn điều chỉnh hồi tháng 8-10/2023.
Thứ hai là làn sóng tăng trưởng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ, khi xu hướng đầu tư vào AI kéo tăng nhiều cổ phiếu công nghệ và làm “nóng” chỉ số S&P 500. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, yếu tố tích cực này tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tại thị trường trong nước, mặt bằng lãi suất thời gian qua là yếu tố tác động tích cực lên thị trường. Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất sớm so với các ngân hàng trung ương toàn cầu. Động thái này diễn ra từ tháng 4/2023 với tổng cộng 4 lần hạ lãi suất đến nay đã dịch chuyển dòng vốn đầu tư lớn, phân bổ vào những kênh tài sản có hiệu quả tăng, qua đó thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận giai đoạn tăng trưởng từ tháng 4/2023 đến nửa cuối tháng 9/2023.
Cùng đó, một động lực lớn khác là quyết tâm nâng hạng của Chính phủ được thể hiện quyết liệt trong nửa cuối năm 2023, cho nhà đầu tư thêm niềm tin vào thị trường và khả năng nâng hạng.
“Chúng ta đang ở năm bản lề gần sát cánh cửa nâng hạng. Việc thay đổi về chất là nền tảng pháp lý đang có chuyển biến rõ nét giúp đảm bảo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế về thị trường Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh. Cùng đó, cũng nhờ theo đuổi mục tiêu nâng hạng, hạ tầng giao dịch mới cũng hỗ trợ kéo dòng tiền vào thị trường.
Theo ông Sơn, hệ thống hạ tầng giao dịch cũ trong nhiều giai đoạn thị trường nóng từng bị nghẽn tắc. Sự thay đổi hạ tầng giao dịch có thể giúp đảm bảo thông thoáng, nhà đầu tư giao dịch nhanh hơn, nhiều tổ chức có thể đặt lệnh giao dịch tự động. Ngoài ra, trên nền hạ tầng mới sẽ có nhiều sản phẩm mới, rút ngắn thời gian giao dịch xuống từ T+2,5 xuống T+2. Dẫn lại các lần thay đổi trước như thời điểm ké dài thời gian giao dịch, đi vào hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh, ông Sơn cho biết thanh khoản của thị trường đều lên.
“Niềm tin quay trở lại, cùng với kỳ vọng hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động và câu chuyện nâng hạng sẽ tác động tích cực đến thị trường trong nước nửa cuối 2023 và đầu năm 2024”, chuyên gia phân tích VPBankS nhấn mạnh.