Nền kinh tế Hải Lăng

Việt NamViệt Nam11/02/2025


50 năm sau ngày quê hương giải phóng, Hải Lăng đang về đích huyện nông thôn mới và đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Quảng Trị trước năm 2030, trở thành thị xã đến năm 2040. Để làm nên những điều kỳ diệu trong lĩnh vực kinh tế trên quê hương anh hùng, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển, huyện Hải Lăng đang chuẩn bị tâm thế và nội lực cho chặng đường phía trước.

Thuận lợi để mở rộng không gian phát triển

Có thể thấy, để có thể tự mình mở ra không gian phát triển, cả trước mắt và trong tương lai, so với các địa phương khác ở tỉnh Quảng Trị, không đâu có nhiều điều kiện thuận lợi như huyện Hải Lăng.

Nền kinh tế Hải Lăng - Tầm nhìn và khát vọng phát triển

Thu hoạch lúa ở vùng đồng Hải Lăng -Ảnh: Đ.T

Hải Lăng là địa phương chỉ cách thành phố Huế trực thuộc Trung ương 40 km nếu đi về phía Nam; đi ra thành phố tỉnh lỵ Đông Hà cũng chỉ hơn 20 km; cận kề với huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị với dải đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ, được xem là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, chiếm tới 32% diện tích tự nhiên của huyện; phía Tây giáp với huyện Đakrông với vùng đồi núi chiếm đến 55% diện tích tự nhiên. Nơi đây, từng là vùng chiến địa bị giặc chà đi xát lại; là nơi tập kết của những đoàn quân trở về giải phóng quê hương, hiện nay đã có gần 23.000 ha đất lâm nghiệp được phủ xanh màu xanh sự sống.

Hải Lăng cũng là địa phương có bờ biển dài khoảng 14 km, ngư trường đánh bắt rộng và vùng cồn cát ven biển chiếm 12% diện tích tự nhiên, với khoảng trên 6.600 ha. Vùng cồn cát ven biển này một thời là nơi ngự trị của loài cây xương rồng trên đất khô khát.

Tình trạng cát bay, cát chạy, cát nhảy, cát lấp hoành hành suốt các tháng trong năm, đày đọa đời sống con người. Nay vùng cát này đã là vùng xây dựng làng sinh thái, nơi bắt đầu hình thành vựa cây rau màu, cây ném, cây mướp đắng, vựa tôm nuôi... đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà nông. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, huyện Hải Lăng là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên biển, đồng bằng, gò đồi, rừng núi.

Kết nối giao thông là một trong những lợi thế lớn của huyện Hải Lăng. Địa phương nằm trên những trục giao thông quan trọng của quốc gia như Quốc lộ 1, Quốc lộ 49C, tuyến quy hoạch Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy; tuyến đường sắt Bắc - Nam; đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Các dự án đã đáp ứng được các mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh như đường từ Quốc lộ 1 qua thị xã Quảng Trị về cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy, đi qua các khu dịch vụ- du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng và kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Nhắc đến địa danh Hải Lăng, chúng ta tưởng nhớ đến các bậc danh tướng, anh tài của xứ sở lâu đời này như Nguyễn Quận, Bùi Dục Tài, Nguyễn Đức Hoan...Đặc biệt, tiến sĩ Bùi Dục Tài, người làng Câu Nhi, xã Hải Tân, người đột phá khai khoa tiến sĩ đầu tiên năm 1502 của xứ Đàng Trong, được “sắc tứ vinh quy” và được đề danh ở bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Ông làm quan đến chức Lại bộ tả thị lang, tham tướng, đã từng trở về quê hương kinh lý nhưng không làm phiền nhiễu dân lành. Bản lĩnh và khí tiết của người dân sống trên đất Ô châu ngày nay được bắt nguồn từ công lao khai hoang phục hóa tạo dựng thành làng, xã, định lệ thành khoán ước, hương ước cho con cháu đời sau được thừa hưởng và nâng lên thành mỹ tục: Đá trô i nhưng làng không trôi...

Để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Hải Lăng đã bước đầu tập trung khai thác nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa vốn khá đa dạng, phong phú trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 81 di tích lịch sử văn hóa đã được khoanh vùng bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp. Các khu, điểm du lịch như Khu du lịch sinh thái Trà Lộc, nhà thờ La Vang, bãi tắm Mỹ Thủy... đang được khai thác, phát triển; các điểm du lịch sinh thái tiềm năng như thác Chờơng, thác Chàn Hoàng, hồ Cầu Mưng- thác Heo, hồ Khe Khế, trằm Lớn, trằm Khang, đập Trén...đã được khai thác, đưa vào quy hoạch kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bức tranh kinh tế sống động, nhiều nội lực

Những năm gần đây, huyện Hải Lăng là địa phương thu được nhiều thành tựu to lớn, tạo dấu ấn nổi bật ở lĩnh vực phát triển kinh tế so với các địa phương khác trong tỉnh. Tổng giá trị sản xuất ngành nông- lâm- ngư nghiệp của huyện đã đạt 2.852 tỉ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên một héc ta đất canh tác đạt 126 triệu đồng.

Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 9 vạn tấn. Là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, hiện diện tích gieo trồng lúa hằng năm ở Hải Lăng là 13.637 ha (2 vụ/năm), năng suất bình quân đạt 64,67 tạ/ha. Diện tích cánh đồng lớn đã lên tới gần 1.700 ha, lúa chất lượng cao gần 9.600 ha, lúa theo hướng hữu cơ 410 ha. Ngoài cây lúa, các loại cây trồng khác như cây ném, cây mướp ở vùng cát, cây cam vùng K4...là những sản phẩm đặc trưng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Nền kinh tế Hải Lăng - Tầm nhìn và khát vọng phát triển

Tuyến đường trung tâm thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.T

Nói đến làm lúa ở Hải Lăng, người viết nhớ lại câu chuyện mà nhà báo Đinh Như Hoan từng kể lại trong một bút ký viết về Hải Lăng từ năm 2004 rằng, để làm ra được hạt lúa, người Hải Lăng phải bỏ công ra gấp ba, gấp bốn lần so với nơi khác. Tết năm 2000, sáng mồng một, nhà báo cùng lãnh đạo tỉnh về thăm bà con. Mới hơn 8 giờ sáng mà trong làng không một bóng người. Té ra từ nửa đêm giao thừa, bà con phải ra đồng tát nước cứu lúa. Hải Lăng có 21 xã, thị trấn (thời điểm đó- PV) thì diện vùng sâu, vùng trũng đã chiếm mất 10 xã rồi.

Toàn bộ vựa lúa của Hải Lăng đều nằm thấp hơn mực nước biển đến gần một mét. Mùa lũ ở đây thật kinh hoàng. Nước cuồn cuộn từ sông Ô Lâu dâng lên, nước từ những động cát tràn về ngập sâu ba, bốn mét. Nhắc lại như thế để thấy rằng, duy trì được diện tích gieo trồng lúa hằng năm như hiện thời ở Hải Lăng là 13.637 ha (2 vụ/ năm), năng suất bình quân đạt 64,67 tạ/ha là một thành tựu rất đáng tự hào...

Có lần đọc tập “Thơ văn Hải Lăng” xuất bản năm 2015, có đăng bài thơ “Hạnh Hoa thôn” của nhà thơ Lê Ngọc Phái với những câu thơ thật gợi: Hạnh Hoa ơi! Bụi hồng bay theo lá/ Bốn phương trời vẫn nhớ mãi đất ta, người viết đọc và có liên tưởng đến hai câu thơ cổ của Đỗ Mục, thi sĩ đời Vãn Đường (Trung Quốc): “Tá vấn tửu gia hà xứ hữu/ Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn” (dịch nghĩa: Hỏi thăm quán rượu nào ngon nhất/ Mục đồng chỉ đến Hạnh Hoa thôn).

Không biết Hạnh Hoa thôn của thi sĩ họ Lê là cõi thực hay cõi mộng, nhưng ở Hải Lăng từ xa xưa đã nức tiếng với đặc sản Kim Long mỹ tửu. Sách Đại Nam nhất thống chí, mục “Thổ sản” quyển thứ tám đã trang trọng lưu danh: “Rượu Kim Long Hải Lăng ngon hơn, có thuế”. Và quả thực, qua bao tháng năm dâu bể, rượu Kim Long, một đặc ân từ nước, gạo, men và lửa của đất lúa Hải Lăng vẫn thơm ngon cho đến tận bây giờ.

Nền kinh tế Hải Lăng - Tầm nhìn và khát vọng phát triển

Quang cảnh thi công công trình ở vùng biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.T

Hải Lăng không chỉ có rượu Kim Long nức tiếng. Hiện nay, những sản vật của người dân Hải Lăng đã được vinh danh sản phẩm OCOP xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là mắm Mỹ An (sản phẩm đạt 4 sao) và 20 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Bánh tét mặt trăng Đại An Khê, bánh lọc Huệ, ném Hải Dương, nước mắm Mỹ Thủy, ruốc bột bà Vầy, muối lạc rong biển, ngũ cốc Hải Linh, gạo Hải Lăng, cam K4, muối đậu sả Phương Anh, tinh dầu tràm Bảo Ngọc, ớt bột Hải Định, tương ớt Hải Phong, hạt sen Hải Sơn, ném sấy lạnh, mướp đắng sấy lạnh, hạt sen tươi, hạt sen sấy Hải Hưng, chuối sấy dẻo, cam Quảng Lâm...

Trong chặng đường phát triển mới, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và ngành nghề nông thôn được quan tâm thu hút đầu tư, tạo cơ sở để xây dựng Hải Lăng trở thành huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Quảng Trị trước năm 2030. Toàn huyện hiện có 2.610 cơ sở CN-TTCN với 7.795 lao động; có 34 dự án đang đầu tư vào 3 cụm công nghiệp (CCN), giải quyết việc làm hơn 2.400 lao động. Tỉ lệ lấp đầy của CCN Diên Sanh đạt 100%, CCN Hải Thượng đạt 63%, CCN Hải Chánh đạt 67,5%. Huyện đã ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 13/12/2022 về phát triển CN-TTCN đến năm 2030, chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến công huyện giai đoạn 2021-2025. Giá trị sản xuất bình quân về CN-TTCN đạt 3.407 tỉ đồng, tăng 3.310 tỉ đồng so với năm 2010.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Hải Lăng đang thu hút, triển khai 2 dự án động lực của tỉnh, gồm: Dự án Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và dự án Khu công nghiệp Quảng Trị. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tổng diện tích 23.792 ha, trong đó Hải Lăng nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với diện tích 9.167 ha, đi qua 6 xã: Hải Ba, Hải Hưng, Hải Quế, Hải Dương, Hải An và Hải Khê. Tổng thể có 14 dự án. Nơi đây đã hiện diện các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn và bê tông thương phẩm; chế biến gạo hữu cơ; nuôi tôm công nghiệp trên cát; sản xuất inox và thép hợp kim; sản xuất phôi nhôm từ phế liệu... Đặc biệt có dự án xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư hơn 14.234 tỉ đồng, quy mô sử dụng đất, mặt nước 685 ha, đang triển khai thi công giai đoạn 1. Khu công nghiệp Quảng Trị có diện tích 481,2 ha, tổng vốn đầu tư 2.074 tỉ đồng, đã triển khai thi công giai đoạn 1. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế của huyện trong những năm tới.

Để mục tiêu phấn đấu trở thành thị xã đến năm 2040, huyện Hải Lăng đã quan tâm triển khai đồng bộ, từng bước hoàn thiện công tác quy hoạch, xây dựng và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Trong đó có Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Lăng đến năm 2040, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Diên Sanh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Quy hoạch chung đô thị mới La Vang đến năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Quy hoạch các khu đô thị- dịch vụ công nghiệp xung quanh dự án VSIP và Quy hoạch chung xây dựng các xã trên địa bàn huyện đến năm 2035 đang được triển khai thực hiện.

Thông thường, mọi thành tựu mai sau của một vùng đất đều bắt nguồn từ khát vọng và hiện thực được xây dựng, vun đắp hôm nay. Trên hành trình phấn đấu xây dựng huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Quảng Trị trước năm 2030, trở thành thị xã đến năm 2040, Hải Lăng có nhiều điều kiện thuận lợi bởi đã có bước chuẩn bị chu đáo cho tương lai.

Bước chuẩn bị đó bắt nguồn từ những dự liệu sắc nhạy con đường phát triển của chính mảnh đất và con người Hải Lăng được hun đúc bởi mạch nguồn sâu dày từ truyền thống văn hóa rạng rỡ trên quê hương anh hùng.

Đan Tâm



Nguồn: https://baoquangtri.vn/nen-kinh-te-hai-lang-tam-nhin-va-khat-vong-phat-trien-191619.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available