Bà Fatima Fahs, bác sĩ da liễu tại Mỹ, cho biết: “Dầu gội đầu dùng để làm sạch da đầu và tóc. Chúng loại bỏ bụi bẩn, dầu và mảng bám. Tuy nhiên, gội đầu thường xuyên có thể gây khô, ngứa da đầu và rụng tóc”.
Bà Fahs giải thích rằng bã nhờn từ chân nang tóc có tác dụng nuôi dưỡng tóc. Vì vậy, gội đầu thường xuyên có thể gây kích ứng da đầu và làm hư tổn cho tóc, theo trang sức khỏe Everyday Health.
Tần suất gội đầu thế nào là phù hợp?
Tình trạng da đầu và tóc của mỗi người khác nhau nên tần suất gội đầu cũng khác nhau. Ví dụ, da đầu của người tóc xoăn có thể khô hơn da đầu của người tóc thẳng.
Theo bà Jennifer Davis Alexander, chuyên gia chăm sóc sức khỏe da tại Mỹ, nếu da đầu và tóc dễ nhờn, bạn sẽ phải gội đầu thường xuyên hơn.
Theo bà Alexander, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tần suất gội đầu là tập thể dục, bơi trong hồ bơi có thành phần khử khuẩn clo, làm việc liên quan đến bụi bẩn và hóa chất, sử dụng các sản phẩm dành cho tóc, tạo kiểu tóc.
Ngoài ra, sắc tộc cũng có thể ảnh hưởng đến mái tóc. Theo đó, đối với người da trắng và châu Á, các nang tóc thường tròn và đối xứng. Điều này khiến bã nhờn bám chặt vào da đầu và tóc hơn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Skin Appendage Disorders vào năm 2021, người châu Á nên gội đầu từ 5-6 lần/tuần.
Cách gội đầu
Theo Hội Da liễu Mỹ (AAD), bạn nên mát xa da đầu bằng dầu gội. Việc xoa bóp dầu gội lên da đầu sẽ giúp tăng cường lưu lượng máu nuôi dưỡng da đầu và nang tóc. Ngoài ra, bạn cũng cần sử dụng dầu xả ở ngọn tóc.
Theo bà Fahs, khi mát xa xong, bạn cần đợi vài phút trước khi xả sạch để các hoạt chất trong dầu gội được hoạt động hiệu quả.
Xu hướng “no poo”
Hiện nay, xu hướng “no poo” đang phổ biến. Theo đó, những người theo xu hướng này sẽ không gội đầu bằng dầu gội. Tuy nhiên, không dùng dầu gội có thể làm tắc nghẽn nang tóc, nặng tóc và phá vỡ độ pH, độ bã nhờn, hệ vi sinh vật của da đầu, theo Everyday Health.
Và nếu bạn cảm thấy khô hay ngứa da đầu một cách bất thường, hãy đến gặp chuyên gia da liễu để kiểm tra.