Cần nhìn nhận đúng tầm quan trọng của học tập suốt đời như thế nào? Làm sao để nâng cao nhận thức của xã hội để tăng cường đầu tư, quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập suốt đời? Chuyên gia giáo dục – TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030” đã và đang được triển khai tới từng địa phương, từng tổ dân phố, trường… Tuy nhiên, có một thực tế là lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng học là việc của học sinh, sinh viên và những nhà khoa học, người làm công tác nghiên cứu. Việc học tập gần như đã dừng lại sau cánh cổng trường đại học, trường nghề. Ông nghĩ sao về điều này?
TS Hoàng Ngọc Vinh: Trước hết, tôi muốn nhắc lại chủ trương một nền giáo dục dành cho tất cả mọi người, không phân biệt vùng miền, điều kiện… là đúng đắn trong bối cảnh nhân loại đang bị đặt trước thách thức phải đổi mới, học tập và thích ứng không ngừng với những biến đổi của thiên nhiên, khoa học công nghệ…
Chúng ta phải xác định tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp cao đẳng, đại học… đó mới là trạm dừng chân đầu tiên của mỗi người chứ không phải là dừng việc học tại đây. Trong giai đoạn đi làm, môi trường thực tế khác với môi trường trong giáo dục không chỉ về văn hóa, về bối cảnh, môi trường xung quanh, các mối quan hệ cũng khác… Bên cạnh đó, công nghệ cập nhật tiến bộ không ngừng đòi hỏi mỗi người phải học hỏi để cập nhật những thay đổi, xu hướng mới.
Học tập suốt đời sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người để có thể chống chọi được với những thách thức của thời kỳ mới và được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của các nước. Đây chính là động cơ của việc tự học đó là nhằm đáp ứng theo nhu cầu việc làm đòi hỏi.
Giáo dục không dừng lại ở việc học tập trên lớp, trong trường học, mà là mọi nơi mọi lúc. Học trong đời sống của mình, học lẫn nhau và học ở thầy, ở bạn bè đồng nghiệp…. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Còn sống thì còn phải học.
Để học tập suốt đời không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành thực tế thì cần phải trang bị cho người học những gì, thưa ông?
– Trước hết tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận và giải quyết những thách thức đặt ra hiện nay. Đó là ngay trong quá trình giáo dục phổ thông, triết lý giáo dục dành cho tất cả mọi người cũng còn đang gặp phải những rào cản khi chúng ta có những kỳ thi cực kỳ căng thẳng như là vào lớp 6 và đặc biệt là lớp 10 THPT công lập. Việc chưa đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả những học sinh có nguyện vọng học tập đang là vấn đề nhức nhối đặt ra ở nhiều địa phương. Cần phải nhấn mạnh đảm bảo đủ chỗ học là nguyên lý rất quan trọng để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục và nền giáo dục mở.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục chưa được đồng đều, còn chênh lệch quá nhiều giữa các vùng miền, địa phương khác nhau. Bạo lực học đường vẫn xảy ra. Có tình trạng học sinh học đến cấp THCS vẫn chưa biết đọc, biết viết thành thạo… Chất lượng nguồn nhân lực vì thế mà bị ảnh hưởng.
Để giải quyết những vấn đề này, nền giáo dục cần bồi dưỡng, xây dựng cho mỗi người khả năng tự học, tự cập nhật tri thức, kiến thức, kỹ năng mới mà nội dung công việc đòi hỏi.
Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông từ cấp tiểu học, THCS đến THPT, thậm chí từ khi học mầm non cần làm sao phải dạy cho trẻ cách tư duy độc lập, tư duy phản biện thì mới có thể tự học được sau này. Khởi đầu đó là hướng trẻ đọc sách, hình thành văn hóa đọc từ nhỏ chứ chờ lớn mới bồi đắp là chậm trễ. Chương trình giáo dục trong nhà trường cần phải tăng cường tính chủ động cho người học. Thầy cô phải áp dụng các phương pháp dạy học khác nhau làm sao để học sinh tăng cường tư duy, tự học, tự suy nghĩ.
Khi đã tạo thành thói quen thì dạy và học sẽ rất “nhàn” cho cả thầy và trò, đạt hiệu quả cao. Đây cũng chính là giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay. Bởi một phần căn nguyên của việc học thêm là vì ở nhà không học được cho nên phải đưa con đến trường, đến trung tâm để học. Ngược lại, nếu trẻ tự học được thì bây giờ tài liệu trên mạng rất sẵn, nhiều khóa học online cung cấp miễn phí, trẻ có thể chủ động chọn học những cái mà mình muốn, bổ sung cho những phần thiếu hụt của bản thân thay vì học theo một chương trình soạn sẵn không hề cá biệt hóa phù hợp với em đó.
Vai trò của tự học đối với sự phát triển của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Tuy nhiên, cần phải có phương tiện, công cụ như thế nào để có thể tự học, thưa ông? Có phải tất cả mọi người đều có thể tự học?
– Muốn tự học cần phải có công cụ, chẳng hạn như tiếng Anh hoặc các ngoại ngữ khác để đọc tài liệu, biết sử dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm nguồn học liệu mở trên internet rất đa dạng hiện nay. Khi có các tổ chức học tập đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau sẽ hình thành một xã hội học tập.
Muốn dạy cho một đứa trẻ tự học thì phải tạo ra đường hướng phù hợp. Chẳng hạn, đối với môn Văn, chúng ta cần phải hướng dẫn trẻ tạo dàn bài trước khi viết. Khi đã có khung bài rồi thì đắp thêm các nội dung khác vào còn nếu chỉ yêu cầu độ dài, độ hay nhưng không phải là sáng tạo thực chất của trẻ mà là đi chép văn mẫu thì sẽ tạo ra những sản phẩm giống nhau như đúc, không có giọng điệu của chính mình… Học văn theo khuôn mẫu, áp đặt học sinh theo một tư duy sẵn có thì không thể phát triển năng lực, phẩm chất người học như mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới đang đặt ra.
Không ai khác, chính giáo dục trong nhà trường, cụ thể là thầy cô giáo kết hợp với giáo dục trong gia đình phải hình thành cho trẻ khả năng tự học từ tấm bé, khi đó học tập suốt đời sẽ không chỉ là khẩu hiệu, là mục tiêu xa vời.
Ông có nhắc đến sự chênh lệch giữa các vùng miền. Cụ thể hiện nay ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, việc tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học… rất khó khăn. Gần đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất hạ chuẩn giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 để tuyển dụng đủ biên chế. Ông có đồng tình với đề xuất này?
– Để đảm bảo một nền giáo dục cho tất cả mọi người, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo đủ giáo viên. Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên. Tôi đồng tình với đề xuất này bởi đặc thù mỗi địa phương khác nhau. Và trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay chưa đủ nguồn tuyển để tuyển dụng thì việc hạ chuẩn là cần thiết để tuyển đủ, sau đó thêm thời gian để bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy.
Không phải ai cũng phù hợp để làm nghề này. Đặc biệt, nếu học mà không có thực hành thì sẽ rất là khó để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Với một số môn đặc thù như là Tin học, Ngoại ngữ dù hạ chuẩn, cũng rất khó để tìm được giáo viên lên vùng cao. Giải pháp là cần tiếp tục đề xuất cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ với nhà giáo để đảm bảo thu hút được đội ngũ nhà giáo và lâu dài là để thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Nếu lương quá thấp, thầy cô vẫn phải lo lắng về cơm áo gạo tiền thì cũng khó đầu tư cho giáo dục.
Trân trọng cảm ơn ông!