Hoạt động giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học theo khung chương trình đào tạo mà từng bước được mở rộng, chú trọng hơn trong việc giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.
Ông Bùi Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Thiên Niên Kỷ, đặt ra tình huống giả định cho các em học sinh tại Trường THPT Cây Dương (huyện Phụng Hiệp).
Học sinh luôn hào hứng với các hoạt động giáo dục kỹ năng sống
Có dịp tham gia những buổi học trang bị kỹ năng sống cho các em học sinh ở một số điểm trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, sẽ cảm nhận được sự hào hứng của học các em khi được tham gia vào hoạt động này.
Tại đây, các anh chị giảng viên cùng các em dựng lên những tình huống giả định, như khi có người lạ hỏi đường, có người dụ dỗ, lôi kéo hay đặt ra các câu hỏi “Các em có biết đâu là những bộ phận nhạy cảm không được để người khác chạm vào không?”, “Nếu có người có ý đồ xấu thì các em phải tìm đến sự trợ giúp của ai?”,… để các em nêu ý kiến xử lý. Chương trình không để các em tiếp thu kiến thức thụ động, mà tổ chức giao lưu đối đáp, vừa học vừa chơi, giúp các em có thể tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Đinh Bảo Trân, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp), chia sẻ: “Em cảm thấy vui khi được tham gia chương trình. Đây là hoạt động rất bổ ích, giúp em có nhiều kỹ năng sống và đặc biệt học được cách bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm, đồng thời trang bị thêm được cách ứng xử các vấn đề trong cuộc sống”.
Cô Trần Thị Phi Thường, giáo viên Tổng Phụ trách Trường THCS Hòa Mỹ, bày tỏ: “Bản thân tôi nhận thấy chương trình giáo dục kỹ năng sống sẽ giúp các em nhận thức được các vấn đề xung quanh. Từ đó tích lũy và phát triển các kỹ năng cần thiết như: phân tích, đúc kết,… Dựa trên những kết quả đó, các em sẽ từng bước điều chỉnh hành vi của bản thân”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người”, định hướng nghề nghiệp, đã thêm vào môn học Hoạt động trải nghiệm để thấy được sự quyết tâm muốn trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Kỹ năng sống sẽ không chỉ là những tiết ngoài giờ, được lồng ghép vào các môn học khác mà trở thành một môn học chính khóa. Tại Hậu Giang, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các đơn vị công ty, trường học, tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng sống cho các em học sinh. Đây là năm đầu tiên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh thực hiện chương trình, kết quả đạt được rất tích cực. Dự kiến, trong những năm tiếp theo, chương trình vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện để mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho các em.
Cần nhiều hơn thế nữa…
Có cơ hội giảng dạy ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, nhất là khi hợp tác với các đơn vị tại tỉnh Hậu Giang từ năm 2018 trong các Chương trình đào tạo kỹ năng sống, ông Bùi Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Thiên Niên Kỷ, nhận thấy: “So với các tỉnh, thành khác thì việc tiếp cận của học sinh Hậu Giang còn tương đối thụ động. Trong tương lai, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để mọi người nhận biết được tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống. Đặc biệt là những trẻ em sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, nơi kinh tế còn khó khăn thì cần trang bị cho mình những kỹ năng về phòng chống xâm hại; phòng chống bạo lực học đường và gia đình; phòng chống đuối nước; thoát hiểm và tự vệ… Kỹ năng sống dù không phải yếu tố quyết định nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của học sinh”.
Còn theo thạc sĩ Tiêu Minh Sơn, giảng viên Kỹ năng mềm Trường Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh), đứng ở góc độ chuyên môn nhấn mạnh việc trau dồi kỹ năng sống cho trẻ là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Vị thành niên là độ tuổi mà các em không ngừng học tập và có thể dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới. Kỹ năng sống không phải những kiến thức xa vời, khó hiểu mà vô cùng gần gũi trong cuộc sống. Việc giáo dục có thể được thực hiện thông qua các hình thức như tham gia chuyên đề, các hoạt động đóng vai, làm việc nhóm, hỗ trợ cộng đồng,… Từ những hoạt động trên sẽ trang bị cho trẻ những kỹ năng, thái độ ứng xử từ môi trường gia đình, nhà trường đến xã hội. Giúp các bạn thay đổi ngày một tích cực hơn.
Thực tế việc giảng dạy và học tập kỹ năng, trong đó có kỹ năng sống hiện nay ở nhiều trường còn hạn chế. Thầy Huỳnh Hoàng Sơn, giáo viên Tổng phụ trách Trường THPT Cây Dương (huyện Phụng Hiệp), nhận thấy: “Việc giảng dạy kỹ năng sống hiện nay đa phần được các thầy cô ở trường lồng ghép vào các môn học như hoạt động trải nghiệm, giáo dục công dân hay các buổi lễ chào cờ để hướng dẫn cho các em”. Còn cô Trần Thị Phi Thường cũng cho rằng: Với thời gian hạn chế ở trường thì việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vô cùng khó khăn. Nhà trường cũng cố gắng thiết kế nhiều hoạt động ngay trong các tiết học để các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng như làm việc nhóm, kỹ năng ứng xử và giao tiếp, quản lý cảm xúc hay biết lắng nghe và chia sẻ các vấn đề với mọi người.
Được tiếp cận nhiều hơn với các kỹ năng, đổi mới trong tư duy và phương pháp giảng dạy là mong muốn của tất cả học sinh, phụ huynh và nhà trường, như ông Bùi Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Thiên Niên Kỷ, chia sẻ: Trang bị kỹ năng sống cho trẻ rất quan trọng, là cách giúp các em hình thành những thói quen lành mạnh, loại bỏ những hành vi tiêu cực, tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày!
Bài, ảnh: THANH NGÂN