Tích hợp giấy tờ quan trọng vào căn cước
Chiều 22/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho biết, báo cáo số 311 của Chính phủ gửi tới Quốc hội đã giải trình làm rõ các ý kiến của các đại biểu, việc giải trình rất thỏa đáng.
Trao đổi thêm về sự cần thiết và giá trị căn cước theo Luật mới, theo ông Dũng, hiện nay chúng ta đang xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và công dân số. Đây là một xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Việc áp dụng công nghệ trong thẻ căn cước như vậy rất thuận tiện cho người dân trong việc tham gia các giao dịch dân sự, thuận tiện cho người dân trong việc đi lại.
Theo ông Dũng, việc tích hợp các loại giấy tờ bằng giấy hiện nay vào thẻ căn cước rất hợp lý. Như đang chuẩn bị tích hợp thẻ BHYT, BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy kết hôn và trong Luật cũng đang dự thảo cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định tích hợp những giấy tờ nào vào trong thẻ căn cước.
“Chúng ta tích hợp giấy phép lái xe vào trong thẻ căn cước thì khi đi đường lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra thì trình thẻ căn cước chứ không cần mang giấy phép lái xe ra. Vì trong ví, có rất nhiều các loại thẻ. Cho nên, việc này rất hợp lý và thuận lợi cho người dân và lực lượng cảnh sát giao thông”, ông Dũng nói và cho rằng quy định chặt chẽ trong Luật là chỉ được tích hợp các loại giấy tờ vào thẻ căn cước khi Luật quy định thì rất khó, mất thời gian. Do đó, ông đồng tình với việc để Thủ tướng Chính phủ quyết định tích hợp những giấy tờ nào vào trong thẻ căn cước.
Tham gia thảo luận, ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, đối với quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam, theo báo cáo, có gần triệu người thường trú tại nước ta nhưng không có giấy tờ tuỳ thân.
Đa phần họ rất khó khăn về kinh tế, không có chính sách an sinh – xã hội do không có hộ khẩu thường trú, con em không được học hành do không có khai sinh, để lại gánh nặng cho xã hội.
“Sống trong đất nước thanh bình mà cuộc sống bất hợp pháp, nếu có vấn đề xảy ra sẽ không biết đối tượng này ở đâu, truy tìm khó khăn vì không có hồ sơ lưu trữ, rất bất cập”, ông Hoà nhìn nhận và cho biết, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng này là rất cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, quá trình triển khai phải thận trọng, khách quan, đơn giản thủ tục.
Đối với quy định thông tin của công dân, ông Hòa cho rằng, quá nhiều thông tin, nên thiết kế lại những khoản trùng lặp, không cần thiết như nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú tạm trú), số căn cước nếu đã có căn cước công dân, ngày – tháng – năm chết hoặc mất tích, tình trạng khai báo tạm vắng.
Theo ông, cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt.
“Đối với thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN cần cân nhắc vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN đâu phải ai cũng đi xét nghiệm, nếu buộc xét nghiệm sẽ rất tốn kém”, ông Hoà nói.
Đối với thông tin trên thẻ căn cước, đại biểu đề nghị, điều chỉnh một số nội dung trên thẻ như: nơi sinh thay cho nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thay cho nơi cư trú, nơi cấp là Công an tỉnh thay cho Bộ Công an.
Theo đại biểu, việc tạm giữ thẻ căn cước đối với người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là không nhất thiết, vì các đối tượng này chưa mất quyền công dân, vẫn có thể sử dụng căn cước để giao dịch theo quy định của pháp luật.
Đối với quy định cấp thẻ căn cước điện tử cần có thời gian theo lộ trình vì hiện nay công dân không phải ai cũng sử dụng điện thoại thông minh, nếu có thì chưa chắc sử dụng internet, có nơi chưa có mạng internet.
Theo đại biểu, nên cân nhắc thu phí việc người dân đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước vì đổi tên căn cước là theo quy định của luật, chứ không phải do lỗi của người dân. Hiện nay, hàng triệu căn cước công dân đã được cấp.
Cân nhắc đổi tên Luật Căn cước
Tham gia phát biểu tranh luận với nhiều đại biểu về tên gọi của Luật “căn cước công dân” hay “căn cước”, ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nói hiện vẫn đang bàn sửa đổi dự thảo Luật Căn cước công dân, chưa có chữ nào là Luật Căn cước cả.
“Nay mai Quốc hội thông qua luật thì mới là thẻ căn cước”, ông Phàn cho biết và nhấn mạnh không thể thay đổi tên gọi Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Cũng theo ông Trần Công Phàn, cơ quan soạn thảo nêu có con số 31.000 người gốc Việt Nam đang sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch.
“Hiến pháp quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, chúng ta cấp thẻ căn cước công dân để thể hiện đây là công dân Việt Nam. 31.000 người này chúng ta phải quản lý nhưng phải có loại thẻ khác dành cho họ để phân biệt, bởi họ chưa phải là công dân Việt Nam.
Chúng ta quản lý, tạo điều kiện cho họ nhưng họ không được cấp thẻ căn cước công dân như công dân Việt Nam. Vì 31.000 người ấy mà để hơn 81 triệu người chung một thẻ, đánh đồng nhau là không được”, ông Phàn nói.
Tranh luận thêm, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) bày tỏ đồng ý với lập luận của đại biểu Trần Công Phàn.
Ông nói từ công dân đã chỉ đích danh con người, còn dùng từ căn cước không chỉ đích danh con người được. Bởi, hiện cả cây trồng, vật nuôi cũng dẫn tới truy xuất nguồn gốc, định danh cho từng loại cây, con vật.
“Nếu ai đã tham gia, quan sát các nhóm, hội nuôi chó mèo đều có định danh và có căn cước cho vật nuôi. Do đó, cần cân nhắc thêm”, ông Anh bày tỏ.
Về lý do cấp căn cước cho người gốc Việt sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch, ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ….