Trước đề xuất công nhân, người lao động không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội, Đại biểu Quốc hội cho rằng không hợp lý, nên bỏ.
Đề xuất này được nhiều đại biểu đưa ra tại buổi thảo luận tổ sáng nay về dự Luật Nhà ở (sửa đổi), liên quan người được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Theo dự thảo luật, công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuộc nhóm hưởng chính sách này. Thẩm tra nội dung trên, đa số ý kiến tại Ủy ban Pháp luật đồng tình nhưng một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn: công nhân, người lao động (không giới hạn trong khu công nghiệp) có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. Việc này để bảo đảm công bằng với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.
Quan điểm trên theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Hữu Toàn là chưa hợp lý vì đã loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách nhà ở xã hội.
“Thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân, họ còn lo bao thứ như tiền ăn học của con, chi phí sinh hoạt, lấy đâu tiền mua nhà nếu không được hưởng chính sách. Những người đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ra, cần cân nhắc”, ông Toàn góp ý.
Bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Ninh Bình cũng nói “không phù hợp” nếu thu hẹp đối tượng công nhân tại khu công nghiệp, cán bộ công chức viên chức được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo bà, có những trường hợp nộp thuế nhưng thu nhập không đủ sống, nên cân nhắc mở rộng phạm vi thu nhập để tăng diện được tiếp cận nhà ở xã hội.
“Cần mở rộng phạm vi thu nhập người được mua nhà ở xã hội, tức là có
những nhóm có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM tiêu dùng đắt đỏ, trong khi giá nhà cao”, bà Thanh nói.
Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị không quy định người lao động phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. “Hiện mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, nhiều công nhân dù phải đóng thuế, mức sống vẫn chật vật, khó khăn. Do vậy, cần bỏ điều kiện này”, bà cho hay.
Đồng tình, ông Trần Hoàng Ngân nói đóng thuế thu nhập chưa chắc công nhân có thu nhập cao. Hiện TP HCM có khoảng 2-3 triệu công nhân, trong đó có khoảng 330.000 người làm trong khu công nghiệp, còn lại làm bên ngoài. Nếu chỉ quy định đối tượng công nhân trong khu công nghiệp sẽ bỏ sót 80-90% đối tượng công nhân, người lao động được hưởng chính sách. Ông đề nghị bổ sung vào dự thảo áp dụng cho tất cả công nhân và không phân biệt thuộc diện đóng thuế hay không đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, theo ông Ngân, trong khi dự án nhà ở xã hội bán và cho thuê xây dựng ít ỏi, nhà trọ của người dân đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở cho công nhân, người lao động ở các thành phố lớn.
Do vậy, đại biểu TP HCM đề nghị quy định vấn đề nhà trọ vào trong luật để chuẩn hóa đầu tư nhà trọ, vừa huy động sức dân vào đầu tư mô hình này, vừa đảm bảo người lao động được thuê những phòng trọ đảm bảo chất lượng sinh hoạt tối thiểu.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 19/6.