‘Bạn tôi thích nấu ăn, nhưng người khác ăn không nổi’. Đó là lời kể của chị Nguyễn Thị Diệu Thúy (28 tuổi) về tay nghề nấu ăn của một người bạn thân.
Chị Thúy là một trong số không ít người cho rằng nếu nấu ăn không ngon mà cũng không thay đổi thì tốt nhất đừng nấu, vì 1-2 bữa thì không sao, nhưng nếu phải ăn hằng ngày thì sẽ là cực hình.
Nấu dở tại nấu đại, không phải hậu đậu
“Có lần ba của cô ấy phải nằm viện hơn chục ngày ở một bệnh viện tại TP.HCM. Cô có một người em gái cũng đi làm ở đây nên cả hai thay phiên nhau vào viện. Mấy bữa đầu, cô ấy cũng dậy sớm đi chợ, nấu ăn mang vào viện cho mẹ và em gái, vì sợ hai người ăn cơm hộp sẽ không ngon.
Nhưng chỉ 2 ngày sau, cô ấy về mặt ỉu xìu kể rằng mẹ cổ nói cô ấy không cần mất công nấu nữa vì bà ăn không nổi, để mua bún phở ăn cho đỡ ngán”, chị Thúy tiếp nối câu chuyện của người bạn thân.
Theo lời chị kể, cô bạn thân là người siêng nấu nướng, một phần để tiết kiệm tiền, nhưng cũng là người mập mạp nên thường chỉ nấu rất đơn giản để giảm cân.
“Bạn tôi hay luộc rau, luộc trứng, luộc gà… Tóm lại là hay ăn món luộc để bớt dầu mỡ, cũng là để giảm cholesterol, vì kết quả kiểm tra sức khỏe của cổ lúc nào cũng có cholesterol cao.
Chắc vì thói quen nấu nướng vậy nên khi cần nấu gì đó hơi gấp, cô ấy thường nấu đại, thấy cái gì có vẻ hợp lý thì cổ nấu. Lấy ví dụ đơn giản nhất như việc bỏ đường, muối, gia vị nào nêm vào món nào thì cô ấy làm đại”, chị Thúy kể.
Chị Thúy cho rằng nấu đại có ngon không thì hên xui, nhưng sẽ rất khó ngon nếu như không nấu thường xuyên và có sự thay đổi, điều chỉnh. Bởi theo chị, món ngon cũng phải có sự thực hành, rút kinh nghiệm, gia giảm gia vị, thời gian nấu…
“Cái gì cũng phải có sự bắt đầu, nấu ăn cũng vậy. Ban đầu có thể nấu dở, nấu hỏng nhưng nấu nhiều thì sẽ có kinh nghiệm. Nếu cần phải nấu nhanh mà chưa nấu trước đó thì tốt nhất là đi tìm công thức nấu trên mạng, thay vì nấu đại theo cảm tính”, chị Thúy nêu kinh nghiệm.
Đồng ý với việc nấu ăn là phải có sự chú tâm, nấu đại thì sẽ không thể ngon được, anh Nguyễn Công Minh (30 tuổi) cho rằng muốn nấu ngon thì phải quan tâm đến khẩu vị của mình và của cả người ăn cùng, cũng như có sự chỉn chu nhất định.
“Hôm nào bận quá, nấu đại thì hôm đó dở hơn liền. Nhưng những lúc như vậy thì phải chấp nhận. Khi có thời gian, tôi luôn cố gắng nấu ăn chu toàn nhất, có sự chăm chút hơn để món ăn ngon hơn”, anh chia sẻ.
Anh cũng đồng ý rằng ai nấu ăn thường xuyên thì sẽ nấu ngon hơn. “Thỉnh thoảng mới đụng vào bếp mà còn nấu theo kiểu “tổ tiên mách bảo”, không chịu tìm hiểu công thức thì 90% là bị dở.
Đâu phải tự nhiên người ta có hẳn sách dạy nấu ăn, hay ẩm thực thì gọi là văn hóa ẩm thực. Nấu ăn phong phú lắm, nhưng nếu sáng tạo đại đại thì hên xui lắm”, anh nói thêm.
Nấu ăn là kỹ năng sống, ai cũng cần phải học
Anh Minh được vợ nhận xét là nấu ăn ngon hơn vợ. Nói về lý do là nam giới nhưng rành chuyện bếp núc, anh cho biết ở nhà anh ai rảnh sẽ là người nấu, chứ không phân công nấu ăn là nhiệm vụ của vợ hay của chồng.
“Vợ tôi làm ở trường học, đi sớm, về muộn. Công việc của tôi tự do hơn, tự sắp xếp thời gian là chủ yếu, nên ở nhà tôi là người nấu ăn nhiều hơn vợ”, anh chia sẻ.
Mặc dù không nề hà chuyện nấu nướng, anh Minh cho rằng ai cũng cần phải biết nấu. Không nấu món gì cầu kỳ thì những món cơ bản cũng được.
Theo quan điểm của anh, chuyện một người, bất kể nam nữ, không biết gì về nấu ăn là khó chấp nhận.
“Tôi nghĩ rằng nấu ăn là kỹ năng sống, ai cũng cần phải học. Nhà có 2 vợ chồng, vợ kẹt thì chồng nấu, chồng kẹt thì vợ nấu. Ai tiện thời gian thì làm, chứ ỷ y hẳn vào người kia thì không được.
Thử tưởng tượng một hôm đi làm về bệnh, mệt mà vẫn phải nấu nướng thì mệt thêm gấp mấy lần”, anh cho biết.
Chị Ý Nhi (35 tuổi) cũng cho rằng không ai là không thể nấu ăn hay không biết nấu ăn.
“Nấu ăn có thể học được mà. Quan trọng là muốn học, muốn nấu hay không thôi. Tôi nghĩ nấu ăn cũng là một thói quen. Thói quen nào thì cũng phải có thời gian để hình thành và duy trì. Muốn nấu ăn thì phải bắt đầu nấu và phải kiên nhẫn duy trì nó.
Sau một thời gian sẽ thành thói quen. Khi thói quen hình thành thì thậm chí khi không nấu được, phải đi ăn ngoài sẽ cảm thấy khó chịu”, chị cho biết.
Lúc nhỏ lớn lên trong một gia đình khó khăn, chị cũng chỉ phụ mẹ nấu mấy món rất đơn giản, hầu như không có kỹ năng nấu ăn.
“Sau này học xong trung học, tôi chọn học nghề nấu ăn. Lúc đó còn yêu cầu là phải học nghề mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong khi bạn bè học nhiếp ảnh, vi tính, thì tôi học nấu ăn. Sau này thấy vậy lại có lợi. Nhưng tiếc là hình như bây giờ không còn yêu cầu học nghề đó nữa”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nau-an-do-thi-hoc-nau-hoai-se-phai-ngon-chuan-nhu-com-me-nau-20241206122746505.htm