SGGP
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa khánh thành trung tâm công nghệ lượng tử mới có tên Deep Tech Lab Quantum tại Đan Mạch.
Bước đi này cho thấy tổ chức quân sự này đang muốn dẫn đầu trong cuộc đua phát triển công nghệ lượng tử nhiều tiềm năng.
Tác động cán cân quyền lực
Trung tâm công nghệ lượng tử mới nói trên của NATO là một phần của sáng kiến Đẩy mạnh đổi mới phòng thủ đối với Bắc Đại Tây Dương. Theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, sáng kiến này nhằm đảm bảo lợi thế công nghệ của NATO trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ vũ trụ và công nghệ lượng tử.
Theo giới quan sát, sự tăng tốc của NATO trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ lượng tử là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong định hình cấu trúc kinh tế, thay đổi cán cân quyền lực quốc gia ngày càng nổi bật. Với bước đi mới này, NATO cho thấy đang tiếp tục chuyển mình trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược, quyết tâm củng cố và nâng tầm sức mạnh của liên minh để có thể sẵn sàng hành động khi cần thiết trước tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh của khối.
Công nghệ lượng tử có nhiều triển vọng ứng dụng lớn |
Triển vọng ứng dụng lớn
Cùng với những tiến bộ không ngừng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, Internet vạn vật (IoT) và công nghệ nano, công nghệ lượng tử được dự báo tiếp tục đẩy nhanh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Dù trong lĩnh vực quân sự hay lĩnh vực dân sự, công nghệ lượng tử đã cho thấy những triển vọng ứng dụng lớn. Đối với những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này, tác động sẽ sâu rộng và đáng kể khi có thể kích thích sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, mang lại lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
Đến nay đã có hơn 20 quốc gia có sáng kiến hoặc chiến lược quốc gia liên quan đến công nghệ lượng tử. Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đều đã đặt ra hàng loạt chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ lượng tử để đón đầu xu thế.
Ba lĩnh vực chính của công nghệ lượng tử là điện toán, truyền thông và cảm biến lượng tử. Những tiến bộ trong điện toán lượng tử có thể dẫn đến một bước nhảy vọt trong trí tuệ nhân tạo và máy học, từ đó giúp cải thiện hiệu suất của các hệ thống vũ khí sát thương tự động. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp việc phân tích các tập dữ liệu lớn được sử dụng trong tình báo quốc phòng và an ninh mạng trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó, hệ thống truyền thông lượng tử có thể an toàn và không thể bị bẻ khóa. Đây là yếu tố giúp bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin nhạy cảm đối với an ninh quốc gia như tình báo và quân sự.