Các cuộc đụng độ giữa những người Serbia ở Bắc Kosovo và lực lượng cảnh sát sở tại cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phái đến để đảm bảo an ninh vẫn tiếp tục diễn ra.
Cảnh sát Kosovo đụng độ với những người biểu tình Serbia ở một số địa phương phía Bắc ngày 29/5. (Nguồn:Sputnik) |
Phía Bắc Kosovo là nơi có cộng đồng người Serbia rất mạnh sinh sống. Hồi tuần trước, người Serbia đã phản đối các thị trưởng mới là những chính trị gia thuộc các đảng của người gốc Albania, vốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương, đến nhậm chức.
Hôm 29/5, cảnh sát Kosovo đụng độ với những người biểu tình Serbia ở một số địa phương phía Bắc, trong khi đó, tại một số khu vực, các binh sĩ của Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo do NATO (KFOR) lãnh đạo cũng cố gắng tách các nhóm biểu tình đối lập ra khỏi nhau.
Các vụ đụng độ này đã khiến khoảng 30 binh sĩ KFOR bị thương cùng với 52 người Serbia khác, trong đó có 3 người bị thương nặng.
Trước tình hình này, ngày 30/5, NATO ra tuyên bố cho hay, liên minh này đã triển khai thêm lực lượng tới Kosovo, nêu rõ rằng, “bạo lực cần phải chấm dứt”.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Việc triển khai thêm các lực lượng NATO tới Kosovo là một biện pháp thận trọng để đảm bảo KFOR có đủ khả năng cần thiết để duy trì an ninh, đúng theo sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, liên minh sẽ cử thêm khoảng 700 binh sĩ tới khu vực phía Bắc của Kosovo nhằm hỗ trợ ổn định tình hình tại đây và sẽ đặt các đơn vị thuộc lực lượng dự bị “ở trạng thái sẵn sàng cao để họ có thể được điều động ngay khi cần. Chúng tôi đang triển khai những bước đi thận trọng”.
Cũng trong ngày 30/5, quốc tế tiếp tục lên tiếng về tình hình căng thẳng ở Kosovo.
Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Jan Lipavsky lên án cuộc tấn công hôm 29/5 nhằm vào các thành viên của KFOR, đồng thời kêu gọi Serbia-Kosovo thực hiện ngay các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng hối thúc các lãnh đạo Kosovo và Serbia ngay lập tức giảm leo thang các cuộc đụng độ “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Thông báo đã đối thoại với lãnh đạo chính quyền Kosovo Albin Kuri và Tổng thống Serbia Alexander Vucic, ông Borrell cho hay, ông đề nghị hai bên tránh thực hiện thêm bất kỳ “hành động đơn phương” nào nữa, “khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng ngay lập tức và vô điều kiện”.
EU hiện đang “thảo luận về việc thực hiện các biện pháp khả thi nếu các bên tiếp tục không tiến hành các bước đi được đề xuất nhằm hướng tới mục tiêu giảm leo thang”.
Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho rằng, cần tiến hành các bước đi quyết đoán để giảm leo thang căng thẳng giữa người Serbia và Kosovo, chứ không phải “các biện pháp nửa vời” do phương Tây đề xuất là “tạm thời ‘tái định cư’ các ‘thị trưởng’ mới từ các tòa nhà thành phố đến cơ sở khác”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi phương Tây “ngừng đổ lỗi” cho người Serbia về tình trạng bạo lực ở Kosovo, nói rõ: “Không được khiêu khích Serbia, quốc gia đã buộc phải tuyên bố trạng thái tác chiến toàn diện của lực lượng vũ trang và triển khai quân đội tới sát vùng ly khai Kosovo”.