Ngày 25/11, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hay, liên minh quân sự này đang bắt đầu thảo luận về việc thực hiện các cuộc tấn công phòng ngừa vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí có độ chính xác cao.
Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer. (Nguồn: AP) |
Hãng thông tấn Sputnik dẫn phát biểu của ông Bauer tại một hội nghị ở Brussels (Bỉ), nói rằng, NATO đang thay đổi quan điểm cho rằng, liên minh này chỉ là một hiệp hội phòng thủ, trong đó các thành viên “sẽ ngồi chờ để bị tấn công".
Theo ông, chiến lược phòng thủ của liên minh quân sự hiện nay đã không còn hiệu quả, đồng thời không loại trừ khả năng xả ra một cuộc xung đột với Moscow. Trong trường hợp đó, các nước thành viên của khối cần là những nước đầu tiên tiến hành các cuộc tấn công phối hợp bằng vũ khí có độ chính xác cao vào lãnh thổ Nga.
Ông Bauer cũng kêu gọi các nước liên minh chi tiêu tích cực hơn cho quốc phòng, bổ sung kho vũ khí đang cạn kiệt, đồng thời đầu tư vào hệ thống phòng không và vũ khí tấn công chính xác.
Cụ thể, tỷ lệ phần trăm tổng thể cần thiết để thực hiện các kế hoạch mới đã tiến gần với mức 3% GDP mỗi nước, hơn là mức 2% đã thỏa thuận năm 2014.
Cũn tại sự kiện này, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO đã kêu gọi giới doanh nghiệp sẵn sàng cho kịch bản thời chiến và điều chỉnh quy trình sản xuất, phân phối cho phù hợp để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo mọi dịch vụ và hàng hóa thiết yếu đều có sẵn trong mọi tình huống.
Coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược răn đe của NATO, ông Bauer lưu ý rằng, dù quân đội có thể thắng trong các trận đánh, nhưng chính nền kinh tế mới là yếu tố quyết định thắng lợi trong xung đột
Trong phản ứng mới nhất với những bình luận của Đô đốc Rob Bauer, đặc biệt về các cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào Moscow, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Có vẻ như họ đã không đọc hết học thuyết hạt nhân mới”.
Ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt Nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, học thuyết hạt nhân cập nhật của nước này. Nguyên tắc cơ bản của học thuyết coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cụ thể, học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự thuộc đối tượng răn đe hạt nhân, cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà việc răn đe này hướng tới để đối phó.
Ngoài ra, văn kiện nêu rõ, Nga giờ đây sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia không có hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.
Moscow cũng bảo lưu quyền cân nhắc đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của mình, hành động tấn công quy mô lớn bằng máy bay, tên lửa và thiết bị bay không người lái của đối phương vào lãnh thổ Nga, việc chúng xâm phạm biên giới Nga cũng như tấn công vào nước đồng minh Belarus.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nato-chuan-bi-kich-ban-thoi-chien-tinh-den-viec-tan-cong-phong-ngua-vao-nga-moscow-noi-chac-chua-doc-het-hoc-thuyet-hat-nhan-295126.html
Bình luận (0)