Trong một thành tựu có thể đóng vai trò quan trọng trong các sứ mệnh tương lai đến mặt trăng và xa hơn nữa, NASA tiết lộ Hệ thống Hỗ trợ Kiểm soát Môi trường và Sự sống (ECLSS) của ISS đã tái chế gần như hoàn toàn lượng nước được các phi hành gia mang theo lên trạm, Engadget đưa tin hôm 25.6.
Một phần của ECLSS sử dụng các thiết bị hút ẩm cao cấp, cho phép hấp thu độ ẩm tỏa ra từ hơi thở và mồ hôi của các thành viên trên trạm trong lúc họ thực hiện những nhiệm vụ hằng ngày.
Một hệ thống phụ khác, có tên gọi “Thiết bị tập hợp xử lý chất bài tiết”, thành công thu thập nước tiểu của các phi hành gia nhờ vào sự hỗ trợ của môi trường chưng cất chân không trong điều kiện vi trọng lực.
Theo NASA, quá trình chưng cất giúp thu thập nước và nước bài tiết vẫn còn chứa H2O. Gần đây, cơ quan Mỹ bắt đầu thử nghiệm thiết bị mới có thể chiết xuất phân tử H2O còn lại trong nước tiểu. Nhờ vào hệ thống mới, NASA ghi nhận tỷ lệ tái chế nước lên đến 98% trên ISS, tăng so với mức trước đây là 93-94%.
“Đây là bước tiến vô cùng quan trọng trong nỗ lực phát triển các hệ thống hỗ trợ sự sống”, Space.com dẫn lời chuyên gia Christopher Brown, thuộc nhóm quản lý các hệ thống này trên ISS. Ông giải thích: “Ví dụ các nhà du hành vũ trụ thu thập được 100 lít nước trên trạm. Họ mất đi 2 lít và 98% số nước còn lại cứ tuần hoàn xoay vòng. Việc duy trì được lượng nước như thế là một thành tựu đáng khích lệ”.
Có người cho rằng quá trình trên buộc các phi hành gia phải uống nước mà họ đã bài tiết. Tuy nhiên, ông Jill Williamson, quản lý chương trình ECLSS của NASA, bác bỏ lập luận này. “Về cơ bản, quá trình trên tương tự như hệ thống phân phối nước trên trái đất, và chỉ khác là được hiện trong điều kiện vi trọng lực. Phi hành đoàn không uống nước tiểu; họ uống nước đã được tái chế, lọc lại và được làm sạch đến mức còn tinh khiết hơn loại nước chúng ta đang uống ở địa cầu”.
Theo ông Williamson, các hệ thống như ECLSS sẽ đóng vai trò then chốt trong các sứ mệnh du hành tương lai của NASA. “Lượng nước và dưỡng khí được đưa lên tàu càng ít, càng có thêm nhiều thiết bị khoa học được mang theo”, ông kết luận.