Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dịch, bệnh trên vật nuôi

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh phát sinh 10 ổ dịch bệnh dại tại 6 địa phương, khiến 600 người phải điều trị dự phòng; gần 3.800 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh14/04/2025



Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024 kết quả tiêm vắc-xin phòng các loại dịch bệnh mới đạt trung bình 70% năm. Cụ thể: Lở mồm long móng gia súc đạt gần 86.000 liều (đạt 62% kế hoạch năm); tụ huyết trùng gia súc là trên 36.700 liều (đạt 65% kế hoạch năm); viêm da nổi cục trâu, bò là gần 34.700 liều (đạt 65% kế hoạch năm); tai xanh là trên 31.400 liều (đạt 65% kế hoạch năm); cúm gia cầm gần 3,74 triệu liều (đạt 74% kế hoạch năm); dại trên 136.400 liều (đạt 144% kế hoạch năm).

Người dân TX Quảng Yên đưa vật nuôi đi tiêm phòng bệnh dại. Ảnh: Bùi Niên (CTV)

Trong đó, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà tổ chức tiêm phòng tốt, tỷ lệ tiêm phòng cao đối với tất cả các loại vắc-xin phòng bệnh bắt buộc UBND tỉnh giao. Các địa phương còn lại tỷ lệ chưa đạt kế hoạch, điển hình TP Móng Cái tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin giảm mạnh so các năm (trừ vắc-xin dại), đặc biệt các loại vắc-xin trên trâu, bò tỷ lệ tiêm phòng đạt 20-30% kế hoạch năm. Hai địa phương có ổ dịch cúm gia cầm cũ là Đông Triều và Quảng Yên thì tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm trong năm 2024 khá thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng dịch (dưới 50% kế hoạch năm)...

Với phương châm phòng bệnh là chính và để tạo miễn dịch chủ động, ngày 12/12/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp. Theo đó, các địa phương tổ chức tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm vào 2 đợt chính trong năm. Đợt 1 vào tháng 3 và 4, đợt 2 vào tháng 9 và 10. Đối tượng bắt buộc tiêm phòng là: Đàn trâu, bò, dê (vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục); lợn (vắc-xin dịch tả lợn, lở mồm long móng, tả lợn châu Phi); gia cầm (vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm); chó, mèo (vắc-xin dại). Đồng thời, các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể, tuy nhiên đến đầu tháng 4/2025, toàn tỉnh mới tiêm vắc-xin phòng dại đạt 45% so với kế hoạch, trong đó nhiều địa phương tỷ lệ tiêm rất thấp, như: Vân Đồn 0%, Hải Hà 0,5%, Cô Tô 3,9%, Bình Liêu 18%. Điều này đang gây những tiềm ẩn không nhỏ trong bùng phát bệnh dại. Trong khi, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, những năm gần đây, các ca bệnh dại không chỉ xuất hiện vào mùa nắng nóng, mà có xu hướng gia tăng quanh năm. Thống kê từ đầu năm đến ngày 28/3/2025, cả nước xảy ra 54 ổ dịch bệnh dại động vật tại 22 tỉnh, thành phố và đã ghi nhận 19 trường hợp tử vong do dại tại 12 tỉnh, thành phố. Riêng đối với kết quả giám sát công tác phòng chống bệnh dại cho thấy, Quảng Ninh là tỉnh lưu hành vi rút dại, tập trung tại khu vực miền núi và một số thành phố. Năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 10 ổ dịch tại 6/13 địa phương, tăng 27% số người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với vi rút dại. Ngày 24/3/2025 vừa qua, trên địa bàn xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) có 3 người bị chó cắn, phải tiêm phòng huyết thanh kháng dại. 



Không chỉ đạt tỷ lệ thấp trong tiêm phòng dại, đối với các bệnh trên đàn trâu, bò, lợn, gà, hiện các địa phương chưa tiến hành tiêm vắc-xin các loại. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương phê duyệt dự toán chậm đối với kinh phí hỗ trợ vắc-xin từ nguồn ngân sách nên các gói thầu thực hiện muộn (cuối tháng 3/2025). Dự kiến tháng 5, các địa phương mới có nguồn vắc-xin và khả năng đến giữa tháng 7/2025 mới tiêm phòng xong vắc-xin đợt 1. Như vậy, không đáp ứng yêu cầu tỉnh đặt ra tại Kế hoạch 290/KH-UBND. Đáng nguy hơn, tháng 3-4 là thời điểm giao mùa, các loại mầm bệnh dễ phát triển, lây lan, gây bệnh và tháng 5 là thời điểm lợn, gia cầm đến kỳ xuất bán. Nhưng ở thời điểm này, các loại vắc-xin trên vật nuôi được tiêm từ năm 2024 đã hết bảo hộ.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Trong điều kiện thời tiết ngày càng bất thường, nếu tỷ lệ tiêm vắc-xin trên các đàn vật nuôi không đảm bảo liên tục và trên 70% thì sẽ không tạo ra miễn dịch đàn tự nhiên. Khi miễn dịch đàn bị suy giảm thì dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên diện rộng với nhiều biến chủng khác nhau. Vì vậy, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác rà soát tổng đàn và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng các loại vắc-xin gia súc, gia cầm.

Được biết, ngày 4/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 31/CĐ-TTg về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Công điện nêu rõ các tỉnh, thành phố phải chủ động công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; tổ chức triển khai việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng. Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.


Hoàng Nga

Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-ty-le-tiem-vac-xin-phong-dich-benh-tren-vat-nuoi-3353134.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm