Công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực sẽ được cấp tạm trú 45 ngày thay vì 15 ngày như trước đây, và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: DUY LINH).
Sáng 24/6, với 470/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 95,14% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách
Theo đó, thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với thời hạn quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
Làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hiện nay, xu hướng du lịch của du khách từ các thị trường xa như châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng xuyên Việt và liên quốc gia.
Ngành du lịch định hướng thu hút khách nghỉ dưỡng biển, lưu trú dài ngày để từng bước cạnh tranh với các nước trong khu vực về du lịch biển, trong khi đó, các nước như Thái Lan, Singapore… đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày.
Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua. (Ảnh: DUY LINH).
Có ý kiến đề nghị cấp tạm trú có giá trị nhiều lần để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhất là các chuyên gia, nhà khoa học…; nghiên cứu, bổ sung quy định cấp tạm trú 30 ngày cho công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực là khách du lịch tham quan một số loại hình du lịch đặc biệt; làm rõ trường hợp người nhập cảnh không theo diện đơn phương miễn thị thực thì sẽ được cấp tạm trú bao nhiêu ngày.
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới làm rõ, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam là một trong bốn trường hợp được xem xét, giải quyết cấp thẻ thường trú (người nước ngoài được cấp thẻ thường trú được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và sử dụng thẻ thường trú thay thị thực để nhập cảnh, xuất cảnh).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định cấp tạm trú 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định của Luật. Quy định này đã tạo điều kiện cho công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.
Ngoài ra, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã quy định cụ thể về thời hạn tạm trú tương ứng với từng loại thị thực cấp cho người nước ngoài.
Bộ đội biên phòng được tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài
Trong các phiên thảo luận về dự án Luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, bổ sung đồn, trạm biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài tạm trú ở khu vực biên giới để phù hợp với các Hiệp định liên quan đến quản lý biên giới, cửa khẩu trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng và quy định của Luật Biên phòng Việt Nam liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật và thực tế 433 đồn biên phòng trên cả nước đang thực hiện nhiệm vụ này.
Kết quả biểu quyết thông qua. (Ảnh: DUY LINH).
Hiện nay, Bộ đội Biên phòng đã và đang tiếp nhận đăng ký tạm trú của người nước ngoài tại khu vực biên giới theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung nội dung: “Trường hợp đồn, trạm biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” để bảo đảm tương thích với Hiệp định trên, tạo thuận lợi cho cơ sở lưu trú được lựa chọn đơn vị công an hoặc biên phòng nơi thuận lợi để gửi đăng ký tạm trú.
Đồng thời, bổ sung quy định “Đồn, trạm biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú” để cơ quan công an thống nhất trong quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Theo: nhandan.vn