UBND TPHCM vừa quyết định công bố dịch sởi trên địa bàn. Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Dịch bệnh lây lan nhanh buộc người dân chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bùng phát. Nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, bệnh theo mùa hay tai nạn thương tích… có thể điều trị hiệu quả ở các bước sơ cứu ban đầu, ở nhà hoặc tuyến y tế địa phương, nhưng với tâm lý an toàn hơn, nhiều phụ huynh thấy con em mình có biểu hiện về mặt sức khỏe, đã đưa lên tuyến trên. Nhưng ít ai biết, thời gian sơ cấp cứu, điều trị ban đầu là thời gian “vàng” cứu sống nhiều trường hợp cấp bách.
Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có hơn 33.500 người tử vong do tai nạn và các trường hợp khẩn cấp; con số này hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời. Do đó, việc phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện và nâng cao kỹ năng sơ cứu ban đầu cho người dân rất cần thiết, không thể chần chừ, nhất là ở các đô thị lớn. Đáng tiếc, kỹ năng sơ cấp cứu thường bị lãng quên trong cuộc sống và chỉ khi những sự cố xảy ra, người dân mới nhận ra tầm quan trọng của việc trang bị những kỹ năng quan trọng này. Tại các quốc gia phát triển, hoạt động cấp cứu ngoại viện không thể thiếu trong việc nâng cao khả năng và cơ hội sống cho người bệnh cấp cứu, giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong, giảm mức độ thương tật cho người bệnh và giảm gánh nặng bệnh tật, tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân tiếp cận nhanh chế độ chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp hơn.
Kế thừa kinh nghiệm này, nhiều năm qua ngành y tế TPHCM có kế hoạch thực hiện nhiều mô hình hay như: phát triển hệ thống mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh; trạm cấp cứu đường thủy, đường không; cấp cứu bằng xe 2 bánh… TPHCM cũng từng kiến nghị mở mã ngành đào tạo nhân viên sơ cấp cứu ngoại viện, có chuyên môn sơ cứu chuyên nghiệp đi theo xe cấp cứu. Tuy nhiên sau nhiều năm đề xuất, mô hình này chưa thực hiện một cách bài bản, thậm chí bị quên lãng. Nhiều người dân phản ánh, khi gọi cấp cứu 115 nhanh nhất cũng phải mất hơn 15 phút xe mới tới chỗ người bị nạn nên nhiều trường hợp đã không tận dụng được thời gian vàng, cứu sống người bị nạn. Lo ngại xe cấp cứu chậm trễ nhiều người lựa chọn những phương tiện khác để di chuyển tới bệnh viện khi cần, nhưng không phải ai cũng may mắn được cứu sống, khi nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do người vận chuyển không có chuyên môn và phương tiện vận chuyển không phù hợp…
Đã đến lúc chúng ta cải thiện hệ thống cấp cứu ngoại viện; bổ sung phương tiện cấp cứu và phát triển các loại hình tiếp cận hiện trường khác như đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy mạng lưới cấp cứu y tế ngoại viện của thành phố; giúp ngành y tế kết nối và tiếp cận sớm nhất các trường hợp cần cấp cứu để xử lý ban đầu và điều trị chuyên sâu. Trong thời gian phòng chống bệnh dịch Covid-19 vừa qua, nước ta đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ (gồm: chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ) rất hiệu quả. Đó cũng chính là củng cố và phát triển tuyến y tế dự phòng.
Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm các nước trong việc phổ biến kiến thức cấp cứu ngoại viện, cách thức sơ cứu trong mọi tình huống cho lực lượng cảnh sát, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng như cộng đồng, ngoài nhân viên y tế. Làm được điều đó, TPHCM sẽ giảm thiểu số trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục.
THÀNH AN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nang-tam-y-te-ngoai-vien-post756170.html