Nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung ở cấp độ địa phương

Việt NamViệt Nam21/02/2025

Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp năm 2025 diễn ra từ ngày 19 đến 21/2 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được đánh giá là cơ chế hợp tác hiệu quả, tiêu biểu cấp địa phương của 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Sau 2 ngày làm việc hiệu quả, với tinh thần hữu nghị, thẳng thắn và thiết thực, các nội dung về giao lưu, hợp tác giữa các bên ngày càng đi vào thực chất, toàn diện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới...

df
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) trò chuyện tại Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025.

Hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực

Trải qua 9 kỳ Gặp gỡ đầu Xuân và 15 lần tổ chức Hội nghị Uỷ ban công tác liên hợp, cơ chế này ngày càng phát huy hiệu quả và luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm, ủng hộ, đánh giá là hình mẫu trong hợp tác cấp địa phương giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp, đóng góp thiết thực vào tổng thể quan hệ 2 nước Việt Nam - Trung Quốc từ cấp độ địa phương.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc 18/1 (1950-2025), là năm Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc và cũng là năm tổ chức Gặp gỡ đầu Xuân lần thứ 10. Đây là dịp để 5 tỉnh - khu cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đưa ra những giải pháp hướng đến xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh - khu 2 bên ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững.

Tại chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025, 5 tỉnh - khu đều thống nhất khẳng định: Tình đoàn kết hữu nghị Việt - Trung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo tiền bối 2 nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của 2 dân tộc. Sự phát triển ổn định và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong những năm qua, nhất là sau chuyến thăm lẫn nhau của các đồng chí lãnh đạo 2 Đảng, 2 Nhà nước đã mang đến cho nhân dân 2 nước nói chung, 4 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Việt Nam) nói riêng niềm tin sâu sắc về một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn.

ádf
Quang cảnh Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025.

Các tỉnh - khu cũng luôn nhận thức sâu sắc rằng địa phương là chủ thể quan trọng góp phần đưa những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 Đảng, 2 Nhà nước đi vào thực chất, là cầu nối vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Trong năm 2024, các bên đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện toàn diện những nhận thức chung, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã được ký kết tại Gặp gỡ đầu Xuân 2024 cũng như tại Hội nghị lần thứ 15 Ủy ban công tác liên hợp và đạt được những kết quả quan trọng.

Rõ nét nhất, hoạt động đối ngoại cấp lãnh đạo các tỉnh - khu và giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp diễn ra sôi động, hiệu quả. Các bên tổ chức gần 300 đoàn công tác, trong đó đặc biệt là các đoàn Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Khu ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, chính quyền nhân dân sang thăm và trao đổi, làm việc.

Các tỉnh - khu đã duy trì trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao bằng các hình thức phù hợp nhân các ngày lễ, tết, kỷ niệm quan trọng của 2 nước. Giao lưu, hợp tác giữa MTTQ và Chính hiệp, Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên… được triển khai với các hoạt động phong phú, đa dạng. Cấp ủy đảng và tổ chức đảng các tỉnh - khu duy trì giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về lý luận, kinh nghiệm xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng.

adsf
Các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ 5 địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Bí thư Khu uỷ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) bắt tay hợp tác trong chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025.

Các hoạt động giao lưu nhân dân ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân 2 nước. Các địa phương biên giới các tỉnh - khu tích cực tổ chức những hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; duy trì tốt hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cặp kết nghĩa xã - trấn, thôn - bản và tổ chức hiệu quả các hoạt động giao lưu cụm dân cư hữu nghị 2 bên biên giới. Công tác quản lý biên giới được triển khai chặt chẽ, hiệu quả; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Các tỉnh - khu thực hiện nghiêm túc, phối hợp quản lý bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận song phương đã được ký kết.

Trên cơ sở các nội dung hợp tác định hướng trong khuôn khổ Gặp gỡ đầu Xuân, các lĩnh vực du lịch, thương mại, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, quản lý cửa khẩu giữa các tỉnh - khu đạt kết quả tích cực.

Tham dự Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục duy trì triển khai tốt cơ chế Gặp gỡ đầu Xuân giữa các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Khu ủy và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa 5 địa phương.

"Các địa phương 2 nước là chủ thể quan trọng góp phần tổ chức thực hiện thành công và đưa những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước đi vào thực tế. Mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh - khu là động lực mới thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước đi vào chiều sâu và toàn diện" - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

dfadfs
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tham quan các biên bản ghi nhớ, ký kết năm 2025 giữa 2 bên.

Phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới

Kế thừa, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa 5 tỉnh - khu thời gian qua, tại Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp năm 2025, 4 tỉnh biên giới của Việt Nam với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), cũng như các ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh với các địa phương của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã tiếp tục thống nhất, kí kết 29 thoả thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị. Trong đó, riêng tỉnh Quảng Ninh có 12 biên bản thoả thuận, ghi nhớ thiết lập cơ chế hợp tác toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.  

Điển hình như: Thỏa thuận hợp tác trên kênh QNR2 giữa Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh với Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Tây; bản ghi nhớ làm sâu sắc cơ chế cấp cứu xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc “Chuyến xe cấp cứu trực tiếp thông tuyến tại Cột mốc biên giới 1369” và thúc đẩy hợp tác song phương trực tiếp tại các đơn vị y tế giữa Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh với Uỷ ban Y tế sức khoẻ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; biên bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ hữu nghị giữa UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) với Chính quyền nhân dân TP Phòng Thành Cảng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây)... Đây đều là những nội dung rất thiết thực nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả, khả thi giữa 5 tỉnh - khu nói chung, giữa Quảng Ninh và Quảng Tây nói riêng trong thời gian tới.

ádf
Các đại biểu tham dự Hội nghị Uỷ ban công tác liên hợp lần thứ 16.

Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên, phù hợp với quy định luật pháp có liên quan của mỗi nước và các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương 2 bên kí kết hợp tác đã có những nhận thức chung về nội dung giao lưu, hợp tác hữu nghị trong năm 2025. Từ đó, cụ thể hoá biên bản kí kết bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.

Đơn cử như Thành uỷ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và Thành uỷ Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây) ký kết thỏa thuận năm 2025 về tăng cường quan hệ hợp tác “Thành phố hữu nghị”. Theo đó, thống nhất trao đổi kinh nghiệm giữa 2 bên về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển KT-XH; thúc đẩy hợp tác du lịch, thương mại, lao động, quản lý chung biên giới, nhằm củng cố và làm sâu sắc quan hệ “Thành phố hữu nghị”...

Đồng chí Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ Móng Cái, cho biết: Để cụ thể hóa các nội dung văn bản kí kết giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Thành uỷ Móng Cái sẽ tập trung cụ thể hóa biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Thành uỷ Đông Hưng, nhất là hợp tác trong công tác xây dựng Đảng và đào tạo cán bộ, đào tạo cán bộ quản lý, kỹ sư công nghệ về AI, IT. Cùng với đó, thực hiện thí điểm khu hợp tác ngành nghề qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng; hợp tác thúc đẩy lao động và chuyển giao công nghệ. TP Móng Cái sẽ triển khai toàn diện chương trình hợp tác thôn, khu, xã, phường, trấn phía Việt Nam và phía Trung Quốc, nhất là đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa TP Đông Hưng và TP Móng Cái trong xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị ổn định hợp tác phát triển. Bên cạnh đó, tập trung triển khai cụ thể hóa các nội dung hợp tác trong công tác phòng chống dịch qua biên giới, phòng chống tội phạm, buôn lậu gian lận thương mại qua biên giới.

 Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam - bên phải) và Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc - bên trái) ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác ngành sản xuất. Ảnh: Đơn vị cung cấp.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác ngành sản xuất. Ảnh: Sở Công Thương cung cấp

Sở Công Thương (tỉnh Quảng Ninh) và Sở Thương mại (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây) cũng đã cùng ký kết thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác ngành sản xuất. Biên bản thống nhất rõ mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tận dụng các lợi thế và bổ trợ lẫn nhau, góp phần phát triển KT-XH bền vững của 2 địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế, 2 bên sẽ cùng nhau nghiên cứu kết nối, đề xuất các giải pháp, định hướng xây dựng chính sách liên kết sản xuất, nhất là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, lĩnh vực công nghệ cao. Sở Công Thương sẽ tích cực tham gia và phối hợp với nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Công Thương (Việt Nam) và Bộ Thương mại (Trung Quốc) thành lập. Cùng với đó, hai bên hỗ trợ, chia sẻ các thông tin về hiệp định thương mại tự do, cơ chế, chính sách tới doanh nghiệp của 2 bên; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của 2 bên thông qua tổ chức các hội chợ, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Những thỏa thuận hợp tác mới được ký kết năm 2025 đã khẳng định tính hiệu quả của cơ chế hợp tác giữa Tỉnh ủy - Khu ủy, các cấp chính quyền, các ngành chức năng 2 bên. Tin tưởng trong thời gian tới, các nội dung và phương hướng đã được lãnh đạo các tỉnh - khu thống nhất trong Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025 sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện 2 bên, nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương; tăng cường hữu nghị, sự tin cậy chính trị; mang đến cho nhân dân các tỉnh - khu niềm tin sâu sắc về một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn. Qua đó, góp phần xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đóng góp thiết thực vào tổng thể quan hệ 2 nước Việt Nam - Trung Quốc từ cấp độ địa phương.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available