VOV.VN – Sau 6 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Đắk Nông đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Qua đó, góp phần tăng cường liên kết xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Kéo tấm bạt nặng trĩu những quả cà phê chín đỏ, ông Nông Minh Thước, thôn Đức An, (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vui mừng khi có 1 năm nữa thắng lớn vì giá cà phê ở mức rất cao. Gia đình ông có hơn 2ha trồng cà phê, năm nay dự kiến thu về hơn 800 triệu đồng.
Mấy năm qua, ông Thước tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao với HTX, giá luôn cao hơn thị trường từ 500-700 đồng/kg. Để có giá tốt, ông Nông Minh Thước phải sản xuất cà phê tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng, cà phê chỉ được thu hái khi chín 90% trở lên.
“Thu hoạch cà phê bây giờ phải để chín là quan trọng nhất. Nếu hái cà phê còn xanh sẽ không đủ chất lượng và sản lượng hao hụt. Người trồng cà phê theo tiêu chuẩn OCOP phải để cà phê chín mới bán được giá cao hơn”, ông Thước cho biết.
Cùng với ông Thước, cả 114 xã viên HTX Công Bằng Thuận An, huyện Đắk Mil đều thực hiện theo hướng sản xuất cà phê sạch, cà phê đặc sản. Sản phẩm cà phê bột của HTX đã được UBND tỉnh Đắk Nông chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Cà phê Thuận An đã xuất khẩu đi các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Anh Nguyễn Quốc Vương, quản lý của HTX biết, số xã viên ngày càng tăng, quy mô không ngừng mở rộng, đồng thời chất lượng cà phê cũng được chú trọng hơn và cần tuần thủ quy định mới của châu Âu về chống phá rừng.
“HTX chú trọng đến cà phê nằm trong khu vực đạt chứng chỉ OCOP, được chứng nhận nguồn sản phẩm không phá hoại môi trường. Từ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho đến mọi thứ, HTX đã tập huấn cho các xã viên nên vùng nguyên liệu sẽ làm tốt. Trong quá trình thu hoạch, các xã viên chú trọng hái cà phê chín, tỷ lệ chín cao”, theo ông Vương.
Trên vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Đắk Nông, từ một nông dân, bà Trương Thị Thanh Lam, ở thôn Kẻ Đọng, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil cũng đã thành công trong xây dựng thương hiệu cà phê rang xay. Tham gia chương trình OCOP, gia đình bà nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc xây dựng thương hiệu, làm mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm cà phê bột, cà phê mộc của gia đình vừa được chứng nhận nâng chuẩn OCOP từ 3 sao lên 4 sao. Theo bà Trương Thị Thanh Lam, mấu chốt của việc có sản phẩm chuẩn là phải có nguồn nguyên liệu chất lượng.
“Khi sản phẩm được nâng chuẩn từ 3 sao lên 4 đã chứng tỏ uy tín, nhưng thương hiệu sẽ không dừng lại ở đó. Đối với 6 nhà trồng cà phê cung cấp, mình phổ biến với nông hộ thu hái cà phê đat độ chín 100% để tăng chất lượng. Giá thị trường thu mua hiện tại 23.000 đồng/kg, nhưng gia đình mua cao thêm 8.000 đồng/kg”, bà Lam cho hay.
Cùng với sản phẩm đặc trưng cà phê, nhiều nông sản của huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Anh Phan Gia Long, ở xã Đức Minh, mạnh dạn khởi nghiệp với ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ quả chuối xanh.
Các sản phẩm như bột chuối xanh, viên bột chuối xanh mật ong, miến khô chuối xanh… dần được thị trường tiếp nhận và vừa được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, anh liên kết với nhiều nông hộ, trồng chuối tiêu theo các tiêu chuẩn an toàn.
“Tổng hợp các yếu tố trên thang điểm chấm OCOP rất hợp lý. Vì theo tiêu chuẩn đó tôi mới khẳng định con đường và cách làm của tôi hoàn toàn đúng. Tiêu chuẩn OCOP là một sân chơi đúng đắn cho những người làm việc nghiêm túc và có ý nghĩa”, anh Phan Gia Long bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết, sau 6 năm triển khai chương trình OCOP, chính quyền, ngành chức năng, nhất là cấp xã đã tích cực, chủ động hơn, DN sản xuất bài bản hơn, nông dân canh tác chuyên nghiệp hơn.
Huyện đã có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 3 sao. Những sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần giải quyết lao động tại địa phương.
“Trong quá trình thực hiện OCOP, người dân năng động tìm tòi, học hỏi cũng như là tham gia các hội chợ, liên kết với các đơn vị khác để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, từ đó nâng cao uy tín, quảng bá hình ảnh và thương hiệu các sản phẩm nông sản Đắk Mil”, ông Tuấn thông tin.
Chương trình OCOP tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã cho thấy hiệu quả thiết thực về phát triển nội lực, gia tăng giá trị kinh tế ở vùng nông thôn. Phát huy những thế mạnh của địa phương, hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu, nông sản Đắk Mil nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung đang từng bước được nâng tầm vươn ra biển lớn.