Khách du lịch ngày nay, nhất là những người du lịch dài ngày, muốn tìm thấy sự đa dạng, khác biệt ở mỗi nơi họ đến. Đừng để họ chỉ đến một thành phố rồi đi mất.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, 2024 là một năm đột phá của ngành du lịch. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Le Invest Corporation trong cuộc trao đổi với PV Báo Thế giới và Việt Nam về cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Góc nhìn của ông về bức tranh du lịch của nước ta trong năm vừa qua? Theo ông, đâu là những cơ hội lớn nhất mà du lịch Việt Nam có thể tận dụng để bứt phá trong kỷ nguyên mới?
Năm 2024 là một năm đột phá của ngành du lịch. Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia, chúng ta đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, du lịch nội địa cũng đạt 110 triệu lượt khách. Đây là những kết quả ấn tượng nếu so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu năm 2025, ngành du lịch phấn đấu đạt 22-23 triệu khách du lịch quốc tế và 120-130 triệu khách du lịch nội địa. Đây là những mục tiêu theo tôi là khả thi, bởi năm nay có nhiều cơ hội đặc biệt.
Cơ hội lớn nhất chính là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/41975-30/4/2025) sắp tới. Sẽ có rất nhiều người nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, Australia, châu Âu và kiều bào mong muốn đến Việt Nam. Không chỉ là những cựu binh hoặc những người có thân nhân liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, mà giới trẻ cũng sẽ mong muốn được chứng kiến những đổi thay của một đất nước đã chiến thắng, vượt lên trên những tàn tích chiến tranh để phát triển và đổi mới.
Một cơ hội lớn đối với ngành du lịch nước ta là xu hướng trải nghiệm văn hóa đang gia tăng mạnh mẽ. Nền văn hóa đặc sắc và đa dạng của Việt Nam có sức hút lớn đối với khách du lịch quốc tế và cả giới trẻ trong nước. Hãy xem những series video trên YouTube hay TikTok do người nước ngoài làm về trải nghiệm của họ trên mọi nẻo đường Việt Nam sẽ hiểu cái gì hấp dẫn họ đến với những cung đường, những ngôi nhà, hoạt động sản xuất và văn hóa. Du lịch hôm nay không chỉ có nhìn và ngắm nữa, du khách muốn hòa vào cuộc sống của con người bản địa, tự mình giải mã những điều thú vị và chia sẻ trải nghiệm của họ.
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như thành tựu của các doanh nghiệp, con người trong thời gian qua chính là những nhân tố tạo nên sự tò mò, sức quyến rũ của đất nước đối với khách du lịch.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch tại Việt Nam?
Công nghệ số đương nhiên tác động vào mọi mặt kinh tế - xã hội, du lịch cũng thế. Các nền tảng truyền thông số sẽ cho chúng ta nhiều công cụ hơn, trực quan hơn, tiếp cận trực tiếp hơn để quảng bá những yếu tố đặc sắc về văn hóa, con người và sản phẩm du lịch đến các đối tượng mục tiêu. Sự phát triển của các công cụ sáng tạo nội dung, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là điều kiện rất tốt để chúng ta có thể sản xuất các sản phẩm quảng bá chi phí thấp, với khối lượng lớn, để tiếp cận đa dạng các chủ đề và mở rộng cho mọi người dân đều có thể tham gia quảng bá du lịch Việt Nam.
Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề lựa chọn công nghệ này hay công nghệ khác cho ngành du lịch, mà hãy chọn công nghệ nào có thể truyền tải tốt nhất nội dung và thông điệp đến đúng đối tượng mục tiêu. Ví dụ, công nghệ thực tại ảo (VR) sẽ rất tốt để giới thiệu các không gian văn hóa, bảo tàng, gallery nghệ thuật. Song công nghệ thực tại tăng cường (AR) sẽ tạo ra tương tác dễ dàng trên thiết bị di động cá nhân. AI có thể tạo ra những hướng dẫn viên du lịch ảo tuyệt vời. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) lại có thể đem đến những sản phẩm số độc bản, dễ dàng bảo hộ bản quyền…
Video hay hình ảnh tĩnh vẫn là những sản phẩm truyền thông trực quan và hấp dẫn. Công nghệ tốt nhất là công nghệ giúp thể hiện đầy đủ và hiệu quả nội dung cần truyền đạt và nền tảng truyền thông tốt nhất là nền tảng phù hợp với đối tượng đích đến.
Du lịch bền vững đang là xu hướng toàn cầu. Ông có đề xuất gì về việc phát triển du lịch bền vững tại nước ta?
Cùng với xu thế phát triển chung, du lịch bền vững là một lựa chọn trong kỷ nguyên mới. Du lịch bền vững chính là các hình thức du lịch tôn trọng sự phát triển tự nhiên của vùng đất và con người mình đến thăm và trải nghiệm. Trong đó, việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, bảo vệ môi trường sống và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái địa phương là một yêu cầu quan trọng.
Việt Nam cũng đã ý thức rất rõ xu thế này và đã có những chính sách nhất định, đối với từng địa phương, từng điểm du lịch. Ví dụ, huyện đảo Côn Đảo trong năm vừa qua đã phối hợp với Vietnam Airlines xây dựng dự án thí điểm "đường bay nhẹ tới Côn Đảo” từ TP. Hồ Chí Minh, với mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon, hạn chế rác thải nhựa.
Công ty Intrepid liên tục tổ chức các đoàn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm làm sản phẩm thủ công cùng người khuyết tật ở Vụn Art, Hà Đông… Nhiều khách sạn, resort đã lựa chọn các giải pháp thân thiện môi trường, hoặc kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hoá địa phương, vừa giới thiệu văn hoá bản địa, vừa hỗ trợ người dân bán hàng, hỗ trợ sinh kế. Tôi thấy khá nhiều công ty du lịch lữ hành Việt Nam tổ chức các tour du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, tập trung vào các nhóm khách hàng cao cấp.
Tuy nhiên, đây vẫn là các chương trình, các tour du lịch đơn lẻ, chưa phải chiến lược mang tính phổ quát tại Việt Nam. Chúng ta cũng chưa có những chính sách đặc biệt nào đối với du lịch bền vững. Làm du lịch bền vững thì sẽ phải đầu tư hơn, tốn kém hơn, thậm chí nhiều khi phải hy sinh những lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho mục tiêu phát triển dài hạn.
Các nhà đầu tư cho loại hình du lịch bền vững như vậy cần được khuyến khích, hỗ trợ bằng chính sách, bằng sắc thuế ưu đãi, hoặc là ưu tiên khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa độc quyền. Đó là những việc chúng ta nên suy nghĩ để du lịch bền vững thực sự trở thành một thế mạnh của Việt Nam.
Hát xoan đình Hùng Lô - sản phẩm du lịch đặc sắc của Phú Thọ được du khách nước ngoài yêu thích. (Nguồn: cand) |
Du lịch Việt Nam đang đối mặt với những thách thức gì trong quá trình hội nhập và cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực, theo ông?
Nói về thách thức, chúng ta vẫn còn những điểm nghẽn cố hữu. Hạ tầng giao thông vẫn là bài toán nan giải, nhất là ở các đô thị. Thái độ, tinh thần và văn hóa dịch vụ ở nhiều nơi vẫn bị khách du lịch phàn nàn.
Một vấn đề nữa đang được nhiều chuyên gia bắt đầu đề cập và đưa vào các cuộc tranh luận, đó là xu hướng đô thị hoá quá mức ở nhiều điểm đến du lịch, xóa nhòa mất ưu thế cạnh tranh thật sự của chúng ta. Cụ thể, đó là thiên nhiên, cuộc sống dân dã bản địa, văn hoá đặc trưng ở mỗi vùng đất.
Ngoài ra, có một thứ mà tôi xin gọi là “complet hóa” sản phẩm du lịch, nghĩa là copy hình mẫu sản phẩm du lịch áp dụng cho mọi điểm đến, mất đi sự đa dạng, phong phú của văn hoá. Khách du lịch ngày nay, nhất là những người du lịch dài ngày, muốn tìm thấy sự đa dạng, khác biệt ở mỗi nơi họ đến. Đừng để họ chỉ đến một thành phố rồi đi mất.
Theo ông, để thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào những sản phẩm du lịch nào? Và làm thế nào để quảng bá những sản phẩm đó một cách hiệu quả?
Tất nhiên đó là du lịch văn hóa. Khách du lịch cần những khách sạn tiện nghi, phù hợp với nhu cầu khác nhau của họ, cần các bãi biển đẹp, các nhà hàng, quán bar để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí. Nhưng đó không phải là những thứ thu hút họ đến Việt Nam, mà chính là văn hoá của chúng ta, là cách mà chúng ta gìn giữ truyền thống, là lối sống, những sản vật văn hoá, những làn điệu dân ca, tiếng Việt, ẩm thực, sản phẩm thủ công và cách mà chúng ta phát huy chất liệu truyền thống trong đời sống đương đại.
Nhưng muốn nhiều khách du lịch đến Việt Nam thì họ phải được nghe nói, phải được đọc, được xem về văn hóa Việt. Thế nên, quảng bá văn hoá Việt, mang hơi thở văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đến các thị trường mục tiêu chính là điều phải làm. Phim ảnh, video, sách báo, những chương trình biểu diễn nghệ thuật, những buổi nói chuyện từ những người đã trải nghiệm, chiêm nghiệm bằng chính thời gian, qua con mắt của chính họ.
Chúng ta không lạ gì với những điều cần phải quảng bá, nhưng nói thế nào, bằng cách nào và diễn đạt ra làm sao thì lại chưa giỏi. Trong thế giới truyền thông tương tác hôm nay, nếu chúng ta vẫn giữ lối quảng bá một chiều, thiếu tương tác, thiếu những trải nghiệm thực tế hẳn nhiên sẽ kém hiệu quả.
Ông có kỳ vọng gì về tương lai của du lịch Việt Nam trong năm 2025 cũng như những năm tới?
Mục tiêu của du lịch Việt Nam năm 2025 không khó đạt được, bởi chúng ta có một số cơ hội "vàng". Tuy nhiên, cơ hội sẽ bị vuột qua, nếu không biết nắm giữ và tận dụng một cách hiệu quả.
Tôi vẫn quan ngại rằng các cơ quan xúc tiến du lịch của Việt Nam còn đang đi theo lối mòn, sử dụng các kênh truyền thông cũ kỹ, kém hiệu quả, phương thức truyền thông một chiều, kém tương tác, thì lãng phí ngân sách khiêm tốn mà chúng ta đang có. Nếu chúng ta biết cách làm marketing hợp thời, thay đổi cách làm marketing và truyền thông thì hiệu quả sẽ gia tăng gấp bội.
Tôi vẫn có một niềm tin rằng, du lịch Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025 và những năm tới, nếu không có những biến động bất thường. Tuy nhiên, chúng ta phải hành động đúng, mạnh dạn thay đổi phương thức xúc tiến, thì cơ hội này sẽ trở thành hiện thực.
Nguồn: https://baoquocte.vn/can-nang-tam-du-lich-van-hoa-viet-de-du-khach-tim-thay-su-khac-biet-o-moi-noi-ho-den-303062.html
Bình luận (0)