Ngày 8/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30/9 – 7/10/2024.
Với lịch trình hoạt động dày đặc ở Mông Cổ, Ireland, Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn Việt Nam đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam tới Mông Cổ sau 16 năm, tới Ireland sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tới Pháp sau 22 năm và cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.
Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam; thể hiện sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa Việt Nam với các nước và mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mông Cổ
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm (1954 – 2024) hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất.
Khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan, Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun-Erdene và dự một số hoạt động khác với kiều bào Việt Nam tại Mông Cổ và doanh nghiệp sở tại.
Trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, lãnh đạo hai bên bày tỏ vui mừng và hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong những năm qua.
Với niềm tin vào tương lai hợp tác giữa hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh đã quyết định ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ hai quốc gia lên Đối tác toàn diện, nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và toàn diện.
Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene khẳng định tăng cường hợp tác toàn diện và sâu rộng với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ tại khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ hợp tác với Mông Cổ và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và lâu dài, phù hợp với lợi ích, tiềm năng và nhu cầu hợp tác của cả hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký 7 văn kiện hợp tác.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Mông Cổ, mặc dù chưa phải là đối tác thương mại lớn nhưng với tiềm năng của ngành chăn nuôi thảo nguyên, những kinh nghiệm về chăn nuôi đại gia súc, nền nông nghiệp hạn hán, đã gợi mở đầu tư, hợp tác những mô hình nông nghiệp ở khu vực miền Trung là nơi mà có nắng, nhiều gió như Ninh Thuận, Bình Thuận của Việt Nam.
Đối tác Chiến lược về hợp tác giáo dục đại học Việt Nam – Ireland
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Ireland của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng, đẩy mạnh sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, nâng cao hiệu quả, làm sâu sắc và mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có các cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội Ireland. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã trao đổi, thống nhất định hướng, các khuôn khổ hợp tác và các biện pháp lớn nhằm tăng cường thực chất và nâng cao hiệu quả quan hệ song phương, nhất là với các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với mục tiêu phát triển của hai nước như giáo dục – đào tạo, thương mại và đầu tư, đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao. Hai bên cũng đã cùng nhau trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thống nhất các biện pháp đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương nhằm đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp trong 30 năm qua, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong lĩnh vực hợp tác giáo dục đại học và khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện vào thời điểm thích hợp.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm Trường Đại học Trinity Dublin và có bài phát biểu chính sách quan trọng về tầm nhìn chiến lược cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” lấy đây làm tư tưởng, kim chỉ nam để bảo vệ và phát triển đất nước. Việt Nam cũng tiếp tục lấy con người là trung tâm, là động lực phát triển; xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân; triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Bày tỏ ấn tượng đặc biệt với bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, bà Orla Sheils, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trinity Dublin thực sự mong đợi vào sự hợp tác giáo dục trong thời gian tới. Bà Orla Sheils chia sẻ, rất tự hào về các sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường và chào đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn nữa đến học tập, đồng thời mong muồn gửi một số sinh viên Ireland đến học tập tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã chứng kiến lễ trao ký kết văn kiện hợp tác. Đáng chú ý, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, đáp ứng mong mỏi của cộng Việt Nam tại Ireland.
Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tạo xung lực mới để hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trụ cột, mở rộng, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và phù hợp với mục tiêu phát triển của hai nước.
Nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Pháp
Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiếp tục tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 – 7/10/2024.
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 được tổ chức tại hai địa danh tiêu biểu của nước Pháp là Trung tâm tiếng Pháp quốc tế tại lâu đài Villers-Cotterêts và Cung điện lớn Grand Palais ở Paris. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”.
Phát biểu tại Phiên họp “Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới” của Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định vai trò không thể thay thế của các cơ chế đa phương, đề cao đóng góp của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các thể chế Pháp ngữ trong xử lý các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, cũng như các tiến trình xây dựng các khuôn khổ, nguyên tắc đối với các vấn đề mới nổi.
Tại phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ thành viên Pháp ngữ đã nhất trí thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung Villers-Cotterêts, Nghị quyết về tình hình chính trị và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ, Tuyên bố về đoàn kết với Liban.
Hội nghị cũng đã nhất trí đồng ý Ghana và Cộng hoà Cyprus trở thành thành viên chính thức, đưa số thành viên của OIF lên 93 thành viên; kết nạp Angola, Chile, vùng Nouvelle-Escosse (Canada), Polynesia thuộc Pháp và vùng Sarre (Đức) làm quan sát viên.
Hội nghị quyết định việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 46 tại Cote D’Ivoire vào năm 2025 và Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 20 tại Campuchia vào năm 2026. Sau Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1997, đây sẽ là lần thứ 2 Hội nghị cấp cao được tổ chức tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các nước Pháp ngữ, tổ chức quốc tế đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam, mong muốn chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy hợp tác chính trị – ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân…, và tăng cường phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (FrancoTech). Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam đang tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn và có vị thế và vị trí rất thuận lợi để giúp các doanh nghiệp cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn xa phát triển thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mang tầm vóc quốc tế. Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ các nước châu Phi trên tinh thần “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chứng kiến trao ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Benin về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đe dọa tới an ninh lương thực, các quốc gia châu Phi đang mong muốn hợp tác với Việt Nam như một nơi “gỡ khó” hoặc là nơi hỗ trợ để phát triển nền nông nghiệp. Do vậy, mặc dù xa xôi về khoảng cách địa lý nhưng đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam tăng cường hợp tác lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua hợp tác nông nghiệp, mang hình ảnh đất nước Việt Nam đến châu Phi.
Tiếp đó, lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Cộng hòa Pháp đã diễn ra trọng thể theo nghi thức quốc gia, qua đó thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Pháp đối với người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron; hội kiến với các lãnh đạo cấp cao khác của Pháp và UNESCO; gặp gỡ nhiều bạn bè, đối tác, cộng đồng kiều bào ở Pháp…
Điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp lần này là Việt Nam và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, khẳng định bước tiến đột phá sau hơn 10 năm thiết lập và triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược. Đây sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên cũng đã ký các văn kiện hợp tác giữa chính phủ, bộ, ngành, địa phương hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực mới. Ngoài ra, một số trường đại học và doanh nghiệp cũng ký các thỏa thuận hợp tác như Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp, Thỏa thuận hợp tác với UNESCO về thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Airbus và Vietjet bàn giao tàu bay mới mang hình ảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, tại sân bay Orly, Paris…
Điều đặc biệt ý nghĩa trong chuyến thăm Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là hoạt động thăm các điểm dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình gian nan tìm đường cứu nước; khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte-Adresse, trước cửa ngôi nhà Bác từng sinh sống…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chuyến công tác là bước triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khi đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, với 3 Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mông Cổ, Đối tác Chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam – Ireland, nâng cấp quan hệ Việt Nam – Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra những cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực thời gian tới.
Baotintuc.vn
Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/nang-tam-cac-quan-he-hop-tac-phu-hop-voi-tinh-hinh-moi-20241009100506958.htm