Sáng 6.6, chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nêu câu hỏi: “Người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng làm thế nào để năng suất lao động của người Việt Nam phát triển và thoát khỏi vùng chuẩn của khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới?”.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là chất vấn ngắn nhất trong sáng 6.6, song là vấn đề quan trọng nhiều người quan tâm là về năng suất lao động của người Việt Nam.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói năng suất lao động phụ thuộc vào 2 vấn đề lớn gồm vốn, công nghệ và kỹ năng, trình độ của người lao động. Trong đó, kỹ năng, trình độ người lao động là một trong những khâu quan trọng.
Thừa nhận thời gian vừa qua năng suất lao động của Việt Nam thấp, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Không đồng tình với một số người nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước nhỏ nhỏ bên cạnh chúng ta. Nhiều người nói năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn hơn Campuchia, Lào. Không phải, không hoàn toàn thế!”.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận năng suất lao động Việt Nam so với mặt bằng chung có thể thấp hơn.
Năng suất lao động của Việt Nam có nhiều yếu tố dẫn đến còn thấp. Cụ thể là phân bố lao động trong lĩnh vực nông nghiệp rất cao. Đây là những lao động làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thấp.
Thứ hai, theo ông Dung, quy mô lao động của Việt Nam rất lớn. Do đó, cũng công việc ấy đáng lẽ một người làm nhưng chúng ta san sẻ ra cho nhiều người nên năng suất lao động cũng thấp hơn.
Đề cập giải pháp, ông Dung nói có 3 cái cần chú ý gồm cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; cùng đó là hạn chế sử dụng lao động trong các ngành nghề thâm dụng lao động.
Giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Dung, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh), Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng nguyên nhân về trình độ và công nghệ chỉ là một phần.
“Tôi cho rằng, năng suất lao động Việt Nam thấp do nguyên nhân rất lớn là tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp. Thay vì chịu trách nhiệm cá nhân, một người quyết định công việc thì ta tổ chức cuộc họp 10 người để quyết định, do đó năng suất chỉ bằng 1/10 số lượng người tham gia cuộc họp đó”, ông Bế Trung Anh nói.