Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11.4 – 10.5, toàn quốc đã xảy ra 10 trận giông lốc, mưa đá.
Không khí lạnh cũng xuất hiện 3 đợt vào ngày 24.4, 29.4, 7.5. Trong thời gian này, Bắc bộ và Trung bộ đã có 2 đợt nắng nóng diện rộng. Đợt 1 từ ngày 17 – 24.4, nắng nóng xảy ra diện rộng tại khu vực tây Bắc bộ; từ ngày 18 – 23.4, nắng nóng xuất hiện tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên.
Đợt 2, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng ở Bắc bộ và Trung bộ từ ngày 4 – 7.5 với nhiều nơi ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử trong cùng thời kỳ. Tại Nam bộ, nắng nóng xảy ra diện rộng kéo dài nhiều ngày từ 20.4 – 7.5.
Từ ngày 11 – 13.5, do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh thấp kết hợp hội tụ gió lên đến mực 5.000 m so với mực nước biển, nên khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; những ngày sau mưa có xu hướng giảm dần.
Dự báo, từ ngày 16.5, vùng áp thấp phía tây phát triển và mở rộng về phía đông, Bắc bộ và Trung bộ nền nhiệt độ tăng trở lại, khả năng xuất hiện nắng nóng từ ngày 17 – 20.5.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 13.5
Từ khoảng cuối tháng 5, nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn từ 0,5 – 1 độ C so với trung bình nhiều năm; số ngày nắng nóng cũng gia tăng tại Bắc bộ, bắc và trung Trung bộ và ở mức cao hơn so với năm 2022. Ở phía nam, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động tích cực dần, mưa gia tăng đều hơn trên khu vực, nắng nóng giảm dần tại Nam bộ.
Trong đợt nắng nóng này, nhiệt độ tại Hà Nội dao động từ 24 – 36 độ C, trong đó nhiệt độ được dự báo cao nhất là 36 độ C vào ngày 17.5.
Do tác động của nắng nóng tập trung nhiều ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.