Cao điểm nắng nóng, hạn mặn
Trong mấy ngày gần đây, nắng nóng gay gắt đã quay trở lại nhiều nơi ở Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Dưới cái nắng đổ lửa, đều đặn mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Tài ở xã Tân Tuyến (Tri Tôn, An Giang) phải ra đồng để theo dõi đám lúa đang chuẩn bị trổ bông.
Ông Tài cho biết vùng này là đầu nguồn sông Cửu Long nên không lo thiếu nước hay xâm nhập mặn. Tuy nhiên, lúa đông xuân muộn hiện nay đang gặp bất lợi về thời tiết nên sâu bệnh nhiều. Sâu bệnh nhiều cũng do từ năm ngoái đến nay mọi người thâm canh tăng vụ vì lúa có giá cao. Từ sau tết đến nay, nắng nóng gay gắt còn gây thêm bệnh cháy lá. Chính vì vậy, vụ này “nặng” phân thuốc hơn rất nhiều nhưng lúa không được tốt như những vụ trước và khả năng cao là năng suất cũng sẽ giảm khoảng 10 – 15%.
Trong khi đó, ở những vùng ven biển, ngoài nắng nóng người dân còn phải đối mặt thêm hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cả sản xuất và sinh hoạt thường nhật. Trong những ngày đầu tháng 3, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu cách cửa sông Tiền khoảng 58 – 63 km còn sông Hậu khoảng 40 – 50 km. Để đối phó tình trạng xâm nhập mặn, người dân đã chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất cũng như tỉa bớt cành nhánh, thậm chí là hoa và trái non đối với các loại cây lâu năm nhằm giảm lượng tiêu thụ nước của cây.
Nắng nóng gay gắt quay trở lại Nam bộ, kéo dài thêm 3 tháng tới
Một số nơi, bà con sử dụng nước giếng khoan để tưới cây hoặc trung hòa độ mặn tự nhiên hoặc bù phần nước bốc hơi nhằm giữ độ mặn dưới ngưỡng chịu mặn của cây trồng. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng chủ động theo dõi diễn biến mặn và đóng các cống ngăn mặn theo khuyến cáo của cơ quan khí tượng.
Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), hiện đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô 2023 – 2024 nên tình trạng xâm nhập mặn vùng ĐBSCL tiếp tục duy trì đến tháng 4 – 5. Đến nay, chưa ghi nhận thiệt hại vì hạn mặn nhưng toàn vùng còn khoảng 29.260 ha lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đây là diện tích vụ đông xuân muộn được sản xuất ngoài kế hoạch (vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15.1.2024). Cụ thể, Tiền Giang 1.400 ha, Bến Tre 2.500 ha, Trà Vinh 13.000 ha, Sóc Trăng 6.000 ha và Cà Mau 6.360 ha.
Mặn tiến sâu vào sông Sài Gòn
Hiện tại, đang vào đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch. Cập nhật từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Đỉnh triều cường có thể rơi vào các ngày từ 11 – 13.3. Do gió mùa đông bắc đang hoạt động mạnh khiến triều cường cao và đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông chính. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ có thể vào sâu từ 75 – 80 km, tăng 5 km so với hiện tại. Mức độ rủi ro ở mức 3.
Trong khi đó, tại các tỉnh ĐBSCL do lượng nước từ thượng nguồn sông Cửu Long về ít khiến mặn xâm nhập sâu. Trong những ngày tới khi triều cường đạt đỉnh, ranh mặn 4‰ trên sông Tiền có thể vào sâu từ 60 – 65 km, sông Hậu khoảng 45 – 55 km. Và từ nay đến cuối mùa khô năm 2024 vẫn còn từ 2 – 3 đợt xâm nhập mặn cao theo các kỳ triều cường.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Dù El Nino đang suy yếu nhưng những tác động của nó vẫn còn. Trong khi đó, Nam bộ đang vào cao điểm mùa nắng, sẽ còn kéo dài trong suốt tháng 3 và nửa đầu tháng 4. Do tác động của El Nino và cả biến đổi khí hậu làm cho khí quyển ấm hơn nên mức nhiệt cao nhất tuyệt đối có thể xấp xỉ giá trị lịch sử. Mức nhiệt lịch sử tại TP.HCM lên đến 39,6 độ C được ghi nhận vào năm 1998.
Tại các địa phương như Đồng Phú, Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai), nhiệt độ lên đến 40 độ C thậm chí vượt 40 độ C. “Cũng cần lưu ý, đây là nhiệt độ trong lều khí tượng còn nhiệt độ cảm nhận có thể cao hơn từ 2 – 4 độ C tùy khu vực. Nắng nóng đang ngày càng gay gắt trên khu vực Nam bộ. Người dân nên chú ý theo dõi các bản tin thời tiết của cơ quan khí tượng để chủ động có biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp”, bà Lan khuyến cáo.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết để ứng phó tình hình xâm nhập mặn năm nay, ngay từ đầu mùa khô, Cục đã lên kế hoạch xuống giống lúa đông xuân sớm. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn ở các cửa sông chính vùng ĐBSCL chủ yếu theo các đợt triều cường cao. “Chúng tôi cũng đã khuyến cáo cơ quan chức năng các địa phương theo dõi sát diễn biến của xâm nhập mặn để đóng cống khi độ mặn vượt mức cho phép. Khi mặn rút, nước ngọt từ thượng nguồn về có thể tranh thủ mở cống để tích trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, Cục cũng theo dõi sát diễn biến hạn mặn cũng như yêu cầu cơ quan chuyên môn địa phương hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi”, ông Cường nói.
Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo ngăn mặn, chống hạn
Cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ký Công điện số 19 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.
Theo đó, yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư vùng ĐBSCL tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CT-TTg ngày 15.1.2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp.
Giao Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện công điện.
Bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt
Thời gian qua, nhiều nhà máy nước ở Bến Tre, Tiền Giang đã bị nhiễm mặn. Để có nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân, các đơn vị này phải thuê sà lan chở nước ngọt thô từ khu vực thượng nguồn về xử lý phục vụ người dân. Dự kiến, việc này sẽ còn kéo dài trong 2 – 3 tháng tới. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, các kênh, rạch nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công (gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX.Gò Công) cùng huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang cạn kiệt dần.
Đây là vùng không có mạch nước ngầm ngọt nên câu chuyện nước mặn luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với cư dân. Nhu cầu cấp nước ngọt cho vùng này khoảng 80.000 m3/ngày đêm, trong khi các tuyến ống cấp tối đa chỉ được khoảng 60.000 m3/ngày đêm. Do đó, tỉnh đã mở 28 vòi nước công cộng tại H.Gò Công Đông và H.Tân Phú Đông để cấp miễn phí cho người dân. Hiện, tuyến ống chuyển tải từ Nhà máy nước Đồng Tâm đã vượt công suất, dẫn đến một số vòi nước ở cuối tuyến khu vực phía đông bị yếu, thiếu nước cục bộ và rất khó khắc phục.
Bắc Bình