Nắng nóng cực đoan kéo dài đã khiến việc đảm bảo nguồn cung ứng điện năng tại nhiều nước châu Á như Thái Lan, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ đối mặt thách thức.
Các tiểu thương thắp nến chiếu sáng tại một khu chợ ở Dhaka, Bangladesh do tình trạng thiếu điện.
Trong những tuần gần đây, nắng nóng kỷ lục đã bao trùm khắp các quốc gia khu vực Nam Á và Đông Nam Á với nền nhiệt tại nhiều nơi của Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ… thường xuyên ở trên mức 40oC trong khoảng thời gian dài bất thường. Nhiệt độ cao khiến nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng vọt, cùng với đó là lượng nước trên các hệ thống sông, hồ thủy điện suy kiệt, dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện tại nhiều quốc gia châu Á.
Tại Thái Lan, nhiệt độ cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng, đặt hệ thống điện ở mức báo động. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000 MW chỉ trong một ngày. Đây là mức tiêu thụ điện kỷ lục trong mùa nắng nóng của nước này và cao hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số địa phương tại Thái Lan đã xảy ra các sự cố điện lưới diện rộng khi chịu quá tải cục bộ. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan cho biết sẽ có biện pháp phù hợp nếu như nhu cầu sử dụng điện của Thái Lan vượt ngưỡng 35.000MW.
Nắng nóng cũng khiến các hồ nước tại Thái Lan suy kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gồm cả thủy điện. Giới chức nước này kêu gọi nông dân cân nhắc không canh tác lúa gạo vụ hai hoặc canh tác loại cây trồng khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo nguồn cung nước cho các hoạt động khác, bao gồm cả sản xuất điện.
Sử dụng đèn dầu do thiếu điện tại Ấn Độ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện làm mát dự kiến tăng kỷ lục trong mùa hè năm nay trong bối cảnh sản lượng điện từ thủy điện suy yếu, Thái Lan vừa cho biết sẽ tăng mức nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lên mức 6 triệu tấn trong năm nay, cao gần gấp đôi so với năm 2022.
Trong khi đó, nhiều bang phía Đông Ấn Độ và Bangladesh đã xảy ra tình trạng mất điện diện rộng thường xuyên, nhất là vào ban đêm.
Mumbai, thành phố lớn thứ hai Ấn Độ, có lượng điện tiêu thụ trung bình ngày đầu tháng 6 đã đạt mức cao nhất lịch sử, khiến một số quận tại đây phải cắt điện luân phiên.
Tương tự, mất điện trên diện rộng cũng xảy ra tại thành phố lớn thứ hai Bangladesh là Chittagong và thủ phủ công nghiệp Mymensingh của nước này, gây tác động tiêu cực đến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bangladesh. Bangladesh đã phải đóng cửa một số nhà máy phát điện, trong đó có cả nhà máy nhiệt điện lớn nhất cả nước. Mất điện cũng ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất, trong đó có xuất khẩu may mặc của nước này.
Thủy điện hiện chiếm trên 72% tổng công suất phát điện của Vân Nam, Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam cũng được xem là “nhà máy thủy điện” của Trung Quốc, chiếm khoảng 19% tổng công suất thủy điện nước này. Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua, sản lượng điện của tỉnh Vân Nam đã giảm gần 42% so với cùng kỳ năm 2022 do khô hạn kéo dài từ đầu năm khiến các nhà máy thủy điện hoạt động dưới công suất.
Nhằm đảm bảo điện cho sinh hoạt, tỉnh Vân Nam đã phải áp dụng chế độ phân bổ điện cho hơn 300 cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm kể từ tháng 9/2022. Đồng thời, chính sách tính giá điện theo thời gian sử dụng cũng đã được áp dụng để kiểm soát điện năng tiêu thụ.
Tuy nhiên, với vai trò bổ sung nhu cầu điện cho các địa phương có nhu cầu phụ tải lớn ở phía Đông và Nam Trung Quốc, sự sụt giảm sản lượng điện tại Vân Nam đang khiến nhiều khu vực tại Trung Quốc gặp thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện. Đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Đông, nơi đóng góp hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc.
Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo, tỉnh Quảng Đông sẽ bước vào thời kỳ cao điểm tiêu thụ điện từ tháng 6 đến tháng 8 và tình trạng thiếu điện tại tỉnh Vân Nam sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến cung ứng điện của tỉnh này, thậm chí kéo tụt đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc như những gì đã xảy ra trong mùa hè năm 2021. Một số khu vực phía Nam Trung Quốc đã bắt đầu cắt điện luân phiên để đảm bảo cung ứng điện.
Theo vtv.vn