Từ ngày 21 – 27.7, lượng điện tiêu thụ và công suất cực đại ở miền Bắc tăng mạnh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 29.7 cho biết từ ngày 21 – 27.7, nhiệt độ ở miền Bắc tăng trở lại sau một tuần giảm nhiệt do ảnh hưởng của bão số 1, kéo theo công suất và lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc tăng cao so với tuần trước đó.
Cụ thể, phụ tải miền Bắc đạt lượng cực đại ngày là 477,9 triệu kWh, tăng 14,3 triệu kWh so với tuần trước, công suất cực đại đạt 23.568MW, tăng 1.208MW so với tuần trước.
Riêng tại Hà Nội, nắng nóng kéo dài trong tuần qua đã dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng rất cao, phần lớn do người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. Ngày 27.7, lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đã lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, đạt mức hơn 101 triệu kWh, vượt gần 1 triệu kWh so với lượng điện tiêu thụ cao nhất năm 2022.
Tuy nhiên, phụ tải miền Trung và miền Nam giảm cả về sản lượng và công suất so với tuần trước, dẫn đến phụ tải toàn quốc giảm. Cụ thể, lượng điện cực đại ngày toàn quốc đạt 893,7 triệu kWh, giảm khoảng 4,8 triệu kWh so với tuần trước, công suất cực đại đạt 43.220MW, giảm 710MW so với tuần trước.
Tuần qua, các nguồn điện đã được huy động hợp lý để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện toàn quốc. Tổng lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện quốc gia, bao gồm cả điện nhập khẩu đạt 5,818 tỉ kWh, trung bình ngày đạt 831,1 triệu kWh.
Trong đó, thủy điện huy động 1.576,7 triệu kWh, chiếm 27,1% tổng sản lượng nguồn phát và tăng 2,9% so với tuần trước. Mặc dù ảnh hưởng của bão số 1 nhưng lượng nước về các hồ thủy điện không có biến động nhiều so với trước bão. Hiện nay, các hồ thủy điện miền Bắc tiếp tục vận hành hợp lý để duy trì mực nước trước lũ theo quy trình vận hành liên hồ, tránh xả thừa.
Nhiệt điện than huy động 2.810,9 triệu kWh, chiếm 48,3% và tăng 7,6% so với tuần trước. Việc cấp than, khí cho phát điện được đảm bảo. Các hệ thống khí Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ vận hành bình thường. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện than đều có lượng than tồn kho đáp ứng nhu cầu. Tổng sự cố dài ngày của nhiệt điện than vẫn chưa được khắc phục là 1.440MW, sự cố ngắn ngày 850MW.
Về năng lượng tái tạo, sau khi ghi nhận mức tăng kỷ lục của điện gió vào tuần trước với 294,8 triệu kWh, chiếm 5,1% tổng sản lượng, từ ngày 21 – 27.7, tổng lượng điện gió huy động giảm 36,2% so với tuần trước đó, đạt 188 triệu kWh, chiếm 3,2% tổng sản lượng, điện mặt trời mặt đất đạt 264 triệu kWh, chiếm 4,5% tổng lượng điện và giảm 1,21% so với tuần trước. Điện mặt trời mái nhà đạt 193,7 triệu kWh, chiếm 3,3% tổng lượng điện và tăng 6,13% so với tuần trước.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tuần tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to, nền nhiệt ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giảm. Do đó, nhu cầu phụ tải hệ thống điện quốc gia trong tuần tới được dự báo thấp hơn so với tuần từ 21 – 27.7.
Các nhà máy thủy điện sẽ được khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 7, đáp ứng ràng buộc lưới điện, nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình liên hồ.
Đối với các nhà máy nhiệt điện than, dự kiến huy động theo nhu cầu hệ thống và lượng điện cam kết, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện và chất lượng điện áp.
Mới đây, EVN tiếp tục lại đề xuất được tăng giá bán lẻ điện. Cụ thể, tại hội thảo về cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050 ngày 28.7, EVN đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành về việc tiếp tục tăng giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Đơn vị này lý giải, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì từ tháng 7 đến tháng 12.2023, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Hiện tại, doanh nghiệp đang nợ tiền của các đơn vị phát điện nhằm đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện.
Giai đoạn 2020 – 2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa theo định mức từ 10 – 50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm 2023, EVN tiếp tục cắt giảm do không cân đối được tài chính. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện.
Năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là hơn 94.800 tỉ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN sẽ gặp những rủi ro như không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN. Do vậy, EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính như kiến nghị tăng giá bán lẻ điện theo biến động các thông số đầu vào để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, giá điện sẽ tăng có lộ trình.
Trước đó, EVN đã tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3% từ ngày 4.5, giá điện bán lẻ bình quân là hơn 1.900 đồng/kWh, nhưng mức tăng này được đánh giá là thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022 là 2.032 đồng.
(Theo 1thegioi.vn)