Về những bệnh về da trong thời tiết nắng nóng, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên, giảng viên chính, bộ môn da liễu, khoa y, Đại học Y Dược TP.HCM, trưởng đơn vị da liễu – thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết:
– Một số bệnh lý da thường gặp trong mùa nóng gồm mụn trứng cá, rôm sảy.
Mụn trứng cá có thể nặng hơn do sự tăng tiết mồ hôi, bã nhờn, bụi và các tác nhân từ bên ngoài khiến hàng rào bảo vệ da suy yếu, tăng hiện tượng tắc nghẽn, viêm và tăng sinh vi khuẩn, không chỉ giới hạn trên mặt mà có thể gặp ở ngực, thân trên như lưng, vai và ngực.
Ngoài ra, còn các bệnh lý nhiễm trùng như viêm nang lông; nấm da và viêm kẽ; chốc, thường diễn biến dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như tình trạng kém vệ sinh, ô nhiễm, nóng và ẩm.
Một số bệnh lý đặc trưng do hoạt động ngoài trời gồm: viêm da tiếp xúc do các tác nhân trong môi trường như cây cỏ, động vật; bỏng nắng do tiếp xúc với lượng tia nắng có cường độ quá mạnh trong thời gian dài; sạm, nám da do tia cực tím.
Trường hợp bỏng nắng nặng, có biểu hiện toàn thân như ngất, sốt, mệt mỏi… cần hỗ trợ y tế ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
* Chăm sóc da không đúng cách trong mùa nắng nóng dẫn đến các nguy cơ nào thưa bác sĩ?
– Chăm sóc da không đúng cách trong mùa nắng nóng có thể khiến cho hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, kéo theo các bệnh lý và các tình trạng rối loạn sẵn có bùng phát nặng hơn.
* Vậy chúng ta cần lưu ý gì khi bảo vệ da mùa nắng?
– Nếu được, nên hạn chế ra ngoài trong thời gian UV đạt đỉnh từ 10h sáng đến 4h chiều.
Tuyệt đối tránh bỏng nắng. Bỏng nắng 5 lần làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30 và có khả năng chống được cả UVA (chỉ số PA thường được tìm thấy đi kèm bên cạnh SPF) và thoa lặp lại thường xuyên mỗi 2-3 giờ, đặc biệt sau khi đổ mồ hôi và bơi lội.
Lưu ý bảo vệ những vùng dễ bỏ sót như môi, tai, quanh mắt, da đầu, bàn tay và bàn chân, cổ.
Mặc quần áo bảo vệ ánh nắng, tốt nhất là nên chọn quần áo, mũ, găng tay… được sản xuất bằng chất liệu có khả năng chống tia cực tím, có ký hiệu UPF (Ultraviolet Protection Factor). Quần áo nên thoáng mát, rộng rãi, dễ thoát mồ hôi, kính râm có phủ lớp bảo vệ chống UV.
Sau khi tiếp xúc ánh nắng, cần nghỉ ngơi, bổ sung đủ nước và dinh dưỡng. Đồng thời, cần làm sạch da đúng cách, sử dụng các loại kem dưỡng, mặt nạ giúp cung cấp ẩm, làm dịu da và giảm viêm cho da.
* Các dạng da khác nhau đòi hỏi phương pháp chăm sóc ra sao trong mùa nắng, thưa bác sĩ?
– Về nguyên tắc, các loại da có thể thay đổi theo mùa, theo thời tiết và theo các giai đoạn tiến triển sinh lý của từng người trong cuộc đời. Do đó, hãy luôn lắng nghe, thấu hiểu và chăm sóc làn da trong mỗi giai đoạn.
Một số nguyên tắc chung cần ghi nhớ gồm: uống nhiều nước, cân bằng dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và chăm sóc da khoa học với các bước cơ bản như làm sạch, dưỡng ẩm, bảo vệ da và điều trị theo chỉ định nếu có.
Cần làm sạch da đúng cách và kỹ, tuyệt đối không sờ, cậy móc lên da. Không sử dụng các loại khăn lau có mùi, có hương liệu để làm sạch da vì dễ gây kích ứng.
Với da khô, luôn thoa kem dưỡng ẩm và kem chống nắng dành cho da khô hằng ngày. Không dùng nước quá nóng khi tắm và rửa mặt, không dùng tay chà xát hoặc lột da khô.
Da dầu cần các loại kem chống nắng phổ rộng dành cho da mụn, da nhạy cảm. Dùng các sản phẩm chăm sóc da không sinh nhân mụn, không gây mụn, không gây tắc nghẽn lỗ chân lông, không dầu (oil-free).
Da hỗn hợp cần sử dụng kem dưỡng ẩm và kem chống nắng phù hợp cho da hỗn hợp, ưu tiên dùng các sản phẩm dịu nhẹ, không gây kích ứng.
* Đeo khẩu trang, đội nón trùm kín mặt khi lái xe hơi có cần thiết không?
– Tia cực tím bao gồm UVA, UVB và UVC có tác động xuyên thấu khác nhau. Trong khi tia UVB và UVC có thể bị giữ lại bởi kính xe hơi thì tia UVA vẫn có thể xuyên qua được. UVA chính là thủ phạm chính gây ra các vấn đề lão hóa da như sạm nám, nhăn da, chảy xệ da…
Nên dán thêm lớp chống tia cực tím cho xe, từ đó đảm bảo hiệu quả chống tia cực tím toàn diện, đồng thời cũng giúp xe giảm được hấp thu nhiệt khi vận hành, từ đó cũng giảm các biểu hiện lão hóa gây ra do nhiệt độ.
Nếu không, cần bảo vệ da ngay cả khi ngồi trong xe hơi như đeo nón, khẩu trang, kính mát làm bằng các chất liệu có thể chống UV.
Da đã qua tác động thẩm mỹ cần chăm sóc kỹ
Tùy vào mức độ tổn thương da, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên tránh nắng phù hợp. Các thủ thuật không xâm lấn như laser trẻ hóa không bóc tách, IPL/laser triệt lông, peel da nông… không đòi hỏi phải tránh nắng nghiêm ngặt; vẫn có thể thoa kem chống nắng, sử dụng các nguyên tắc bảo vệ da để duy trì hoạt động hằng ngày.
Với thủ thuật tái tạo da có xâm lấn, có tổn thương bề mặt da nhiều như laser vi điểm bóc tách da, lăn kim, peel da tầng trung bình – sâu, da cần được chăm sóc kỹ trong vài ngày đầu vì còn tiết dịch, phù nề. Đến khi thượng bì da tái tạo hoàn toàn mới có thể thoa kem chống nắng và ra ngoài an toàn.