Các nghiên cứu đã làm tăng thêm bằng chứng về tác động nghiêm trọng của khí nhà kính đối với kinh tế – xã hội, như được nhấn mạnh trong các báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
World Weather Attribution, tổ chức tập hợp các nhà khoa học liên kết với cộng đồng WMO cho biết sức nóng tháng 4 ở Bồ Đào Nha, Ma-rốc và Algeria gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu.
Sóng nhiệt Địa Trung Hải
Vào cuối tháng 4, một số khu vực phía Tây Nam Châu Âu và Bắc Phi đã trải qua một đợt nắng nóng lớn mang đến nhiệt độ cao chưa từng được ghi nhận trước đây ở khu vực vào thời điểm này trong năm, với nhiệt độ lên tới 36,9 – 41 độ C ở 4 quốc gia. Sóng nhiệt này đã phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ với biên độ lớn, trong bối cảnh hạn hán dữ dội.
Trên khắp thế giới, biến đổi khí hậu đã khiến các đợt nắng nóng phổ biến hơn, kéo dài hơn và nóng hơn.
Tiến sĩ Fatima Driouech, Phó Giáo sư tại Đại học Bách khoa Mohammed VI (Ma-rốc) cho biết: “Đợt nắng nóng gay gắt xảy ra sau đợt hạn hán kéo dài nhiều năm đã có từ trước, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở các khu vực Tây Địa Trung Hải và đe dọa năng suất cây trồng năm 2023. Khi trái đất nóng lên, những vấn đề này sẽ trở nên thường xuyên hơn và đòi hỏi phải lập kế hoạch dài hạn, bao gồm thực hiện các mô hình nông nghiệp bền vững và chính sách quản lý nước hiệu quả”.
Để định lượng tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ gia tăng, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thời tiết và mô phỏng mô hình máy tính để so sánh khí hậu ngày nay, sau khi trái đất nóng lên khoảng 1,2 độ C kể từ cuối những năm 1800, với khí hậu trước đây.
Các nhà khoa học đã xem xét mức trung bình của nhiệt độ tối đa trong 3 ngày liên tiếp trong tháng 4 trên khắp miền Nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hầu hết Ma-rốc và phần phía Tây Bắc Algeria. Họ phát hiện biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 100 lần, với nhiệt độ nóng hơn tới 3,5 độ C so với khi không có biến đổi khí hậu.
“Theo các phân tích khác về nhiệt độ cực đoan ở châu Âu, nhiệt độ cực đoan đang tăng nhanh hơn trong khu vực so với dự đoán của các mô hình khí hậu, một vấn đề hiện đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và các hiện tượng như thế này sẽ thường xuyên và nghiêm trọng hơn cho đến khi việc phát thải khí nhà kính nói chung dừng lại”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu trên do 10 nhà nghiên cứu thuộc tổ chức World Weather Attribution thực hiện. Họ là các nhà khoa học từ các trường đại học và cơ quan khí tượng ở Pháp, Ma-rốc, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Hạn hán kéo dài ở vùng sừng Châu Phi
Một nghiên cứu khác vừa được World Weather Attribution công bố cũng cho thấy đợt hạn hán kéo dài nhiều năm đã tấn công vùng sừng Châu Phi, một trong những khu vực nghèo khó nhất thế giới và gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng cho hơn 4 triệu người.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu biến đổi khí hậu do con người gây ra có phải là nguyên nhân khiến lượng mưa thấp hay không và cũng xem xét vai trò của nhiệt độ. Liên quan đến vùng Sừng châu Phi, tổ chức này cho hay hạn hán nghiêm trọng hơn do lượng mưa thấp và lượng bốc hơi gia tăng do nhiệt độ cao hơn trong một thế giới hiện đang nóng hơn gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học của World Weather Attribution cho biết: “Biến đổi khí hậu đã làm cho tình hình hạn hán hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn và có nhiều khả năng xảy ra hơn. Theo ước tính, những đợt hạn hán như vậy có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 100 lần”.
Sự mong manh và xung đột, cũng như thời gian hạn hán kéo dài càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với người dân ở Somalia. Hơn nữa, mức độ nghiêm trọng của các tác động liên quan đến thời gian hạn hán kéo dài cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về sự chuẩn bị của các cơ quan ứng phó hạn hán của chính phủ các nước và viện trợ quốc tế trong tương lai.