Tác nghiệp ở Cà Mau, cùng đồng nghiệp Báo Cà Mau ra thăm đoạn đê xây dở dang từ năm 2020 ở huyện Đầm Dơi. |
Được đi và viết luôn là niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà báo; với chúng tôi cùng với trách nhiệm, còn là những thôi thúc tự thân, một tình yêu lớn lao mỗi khi thực hiện những câu chuyện về đồng bằng. Và nó được chuyển tải bằng cái nhìn của người trong cuộc, cái nhìn của một người con gắn bó một đời máu thịt với vùng đất này.
Loạt bài 5 kỳ “An ninh nguồn nước là bảo vệ sinh mệnh đồng bằng!” đã được thực hiện với tâm thế đó, cũng như bao nhiêu đề tài báo chí khác nhưng nó có khó khăn riêng cùng với biết bao trăn trở còn đọng lại khi phía trước vẫn còn đó ngổn ngang những thách thức, những vấn đề đặt ra chưa có lời đáp rõ ràng.
So với nhiều đồng nghiệp làm báo ở đồng bằng, chúng tôi có chút may mắn khi luôn được lãnh đạo, Ban Biên tập Báo Vĩnh Long khuyến khích và hỗ trợ thực hiện những bài viết, những đề tài rộng ra khu vực ngoài nhiệm vụ tuyên truyền chính của tờ báo Đảng địa phương. Hàng năm, phóng viên phải xây dựng những đề tài chất lượng cao; trong đó, phải có tác phẩm tốt tham gia “Giải Báo chí về ĐBSCL” luôn được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Ngay từ “Giải Báo chí viết về ĐBSCL” lần thứ I, chúng tôi đã tham gia và may mắn đạt giải cao. Trải qua 7 lần tổ chức giải, tập thể phóng viên Báo Vĩnh Long luôn đặc biệt quan tâm và tuyển chọn những tác phẩm được đầu tư công phu nhất gửi về tham gia. Bởi đây là dịp để đội ngũ làm báo đồng bằng cùng nhau giao lưu học hỏi, đây cũng là giải báo chí quan trọng tạo động lực, nâng tầm cho nhiều cây bút trong khu vực, trong đó có bản thân chúng tôi.
Với tác phẩm tham gia “Giải Báo chí về ĐBSCL” lần này, có lẽ chúng tôi đã tự đặt cho mình một vấn đề hơi quá sức, bởi nói đến an ninh nguồn nước- ở đây là nguồn nước sông Mekong, cần phải tổng quát được những yếu tố nguy cơ “bên trong” lẫn “bên ngoài”.
Nhưng vì khả năng giới hạn chỉ có thể tạm khu trú vấn đề trong nội vùng như một đòi hỏi cấp thiết trước mắt. Và qua những chuyến đi thực tế khắp đồng bằng, thì chính thực tiễn cuộc sống, chính những nhân vật đã vỡ vạc, khai mở cho bản thân mình nhiều vấn đề tưởng chừng đã quá quen thuộc một đời.
Chiều sâu của văn hóa ruộng đồng, văn hóa sông nước vốn thuộc về nền văn hóa lúa nước. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG KHA |
Câu chuyện với mỗi một nông dân là từng bài học mới từ những câu chuyện xưa cũ, giúp chúng tôi thẩm thấu thêm chiều sâu của văn hóa ruộng đồng, văn hóa sông nước vốn thuộc về nền văn hóa lúa nước, đã được định vị lại những chiều kích, những thuộc tính đặc trưng trong nền văn hóa Nam Bộ. Mà có lẽ đã ít nhiều nhạt phai trong những thế hệ ngày càng trẻ hơn về sau này.
Mới thấy một vấn đề cốt tử rằng, nếu không hiểu sâu sắc vùng đất này thì tình yêu của chúng ta cũng dễ trở nên nông nỗi và có những ứng xử duy ý chí, vội vàng chưa phù hợp. Ngay cách gọi tên, cách dùng từ để chỉ sông nước là cả một không gian văn hóa mênh mông, từ con sông, con rạch, con kinh, tắc, xẻo, khém, vàm, voi, búng… nhưng đáng lo là ngày càng có những ứng xử, những quy hoạch, quản lý, quản trị có nhiều lúc đi ngược với “dòng chảy văn hóa sông nước đồng bằng”. Mùa nước nổi đồng bằng giờ đây được mặc nhiên gọi là mùa lũ.
Thử nghĩ mà xem, từ thời văn hóa Óc Eo, trải qua mấy đợt biển tiến, biển lùi, xứ này chỉ có ngập lụt- dù là ngập ngọt từ sông Mekong hay ngập mặn từ biển, chớ làm gì có lũ! Chính người miền Tây cũng dần gọi sai tên, hiểu lệch đi bản chất của mùa nước nổi thì quả thật đau lòng. Vậy nên, mùa mưa thì đồng ruộng khô rang, còn đô thị thì chịu cảnh ngập tràn triền miên.
Xâm nhập mặn là chuyện bình thường của thủy chế vùng hạ lưu này, giờ lại trở thành vấn nạn và phải xây đê, làm cống khắp nơi. Chúng ta nên xác định rõ tư duy, nhận thức rằng: đồng bằng này cần phải thích ứng hay là chống biến đổi khí hậu? Để tránh những quy hoạch, những giải pháp nghịch thiên với cả hệ thống sông Mekong.
Một vạt rừng ở Hố Gùi, huyện Đầm Dơi đang trong quá trình sạt lở trơ trụi. |
Do vậy, cùng với công tác ngoại giao nguồn nước, vấn đề nội vùng cần phải giải quyết tốt. Đồng bằng này do nước kiến tạo nên, thì đồng bằng này sẽ không còn tồn tại khi nguồn nước bị tổn hại, bị ứng xử trái tự nhiên và dần cạn kiệt. Tác phẩm chỉ nhằm góp thêm một chút tình, một tiếng nói nhỏ nhoi như hạt phù sa cùng triệu triệu hạt phù sa mong bồi đắp đầy đặn thêm những bờ bãi sông quê, cũng chính là ngôi nhà, là mạch sống của hơn chục triệu cư dân đồng bằng mến yêu này.
Có được những tác phẩm báo chí tốt trước hết là trách nhiệm người làm báo, là tình yêu như món nợ ân tình với đồng đất Nam Bộ, món nợ với từng bác nông dân, với mỗi con sông, với mỗi cánh đồng; nhưng chính động lực từ “Giải Báo chí về ĐBSCL” như “bệ đỡ” qua từng năm đã trau dồi, nâng tầm cho những cây bút đồng bằng.
• Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG