Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
(VLO) Tin từ đoàn trường vừa thông báo, cuối tuần tới Đoàn thanh niên kết hợp với Hội sinh viên trường tổ chức chuyến về nguồn tại một xã vùng sâu của tỉnh. Ai tham gia được thì đăng ký.
Nhận được thông báo, không chút chần chừ, Lanh đăng ký ngay cho Bí thư chi đoàn. Đồng thời gọi điện về cho mẹ:
– A lô! Mẹ ơi, cuối tuần này con có việc bận nên không về được, mẹ đừng trông con nghen.
Vừa nói dứt lời là Lanh tranh thủ tắt điện thoại cái rụp, không để mẹ có cơ hội hỏi han gì thêm, sợ lộ chuyện rồi mẹ lại ngăn cản không cho đi thì lỡ hết mọi việc.
***
Lanh sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả ở Sài Gòn. Từ nhỏ đã quen với cuộc sống ở thành thị. Nhộn nhịp, xô bồ, quá ư mệt mỏi! Lanh muốn thay đổi không gian sống để có thêm những trải nghiệm từ cuộc sống của người nông dân miền quê sông nước Cửu Long.
Nơi có những cánh đồng bao la, cò bay mỏi cánh. Vườn cây trái xum xuê trĩu quả. Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Cá, tôm bạt ngàn.
Cuối năm học lớp 12, trước khi đăng ký chọn ngành, chọn trường, Lanh có tham khảo trước ý kiến của cha mẹ. Nghe qua cha mẹ đều tỏ vẻ hài lòng với việc làm của con gái.
Hai người không có ý kiến gì và bảo “Con thích học ngành nào, trường nào thì cứ đăng ký học!”. Được cha mẹ giao cho quyền tự quyết định chọn ngành, chọn trường, không cần do dự, Lanh lập tức đăng ký xét tuyển ngay ngành Nông học của một trường ĐH ở Vĩnh Long.
Dù trao quyền cho con, nhưng không đồng nghĩa với việc con chọn trường nào học cũng được. Ban đầu vừa hay tin con gái đăng ký học ngành Nông học, lại chọn trường xa tít ở tận Vĩnh Long, bà Nghiêm liền can ngăn con gái:
– Không được! Ai đời con gái mà đi học nông nghiệp. Ngành này suốt ngày dầm mưa dãi nắng cực lắm sao mà chịu nổi. Vả lại, con nên chọn trường ở ngay thành phố đăng ký học cho gần nhà, tiện cho việc đi lại.
– Con muốn học ngành này để sau này góp phần giúp bà con nông dân mình. Còn việc đi lại, từ Sài Gòn đi Vĩnh Long cũng gần, chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ là tới. Có gì cuối tuần con về thăm cha mẹ.
– Mẹ nói không là không. Ở thành phố này có biết bao nhiêu trường ĐH và rất nhiều ngành để chọn. Tại sao không học mà phải xuống tận Vĩnh Long?
– Nhưng mà con thích học ở Vĩnh Long hơn à.
Thấy khó mà xin mẹ thuận ý, Lanh đành tìm cách khác. Lanh trình bày suy nghĩ, ước mơ của bản thân với cha. Nhờ cha nói giúp với mẹ vài lời chắc mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió.
Ông Hiền vốn là người rất thương con gái nên khi nghe nó trình bày ước mơ ấp ủ bấy lâu nay của mình, người cha đã thấu hiểu, cảm thông và nhận lời nói giúp với mẹ.
Sau những lời năn nỉ ỉ ôi của cô con gái, kết hợp với những lời thỏ thẻ từ chồng. Hai cha con “song kiếm hợp bích”. Dần dà bà Nghiêm cũng xiêu lòng:
– Thôi kệ, con cái nó đã thích vậy thì mình phải chiều theo chớ biết làm sao hơn!
***
Ngày nhập học, cha mẹ đưa Lanh đi xuống tận Vĩnh Long. Hai người dự định trong bụng đến nơi sẽ tìm một phòng trọ rộng rãi, thoáng, sạch sẽ thuê cho con gái ở thoải mái. Nhưng Lanh một mực từ chối và xin cha mẹ cho đăng ký ở ký túc xá của trường:
– Thôi ở một mình buồn lắm! Cha mẹ đừng có lo cho con. Con sẽ tập quen dần với cuộc sống tập thể, rèn luyện thói quen, nếp sống tập thể. Có thể lúc đầu con không quen, cảm thấy khó chịu nhưng dần dần rồi cũng sẽ quen.
Hai vợ chồng bà Nghiêm rất đỗi ngạc nhiên với cách suy nghĩ của con gái. Ở nhà, con bé đã quen ở một mình một phòng, quen với cuộc sống tự do tự tại.
Nay ở ký túc xá phải ở chung với nhiều người, mỗi người một tánh ý, ít nhiều cũng phức tạp thì làm sao con nhỏ thích nghi được.
Thôi thì cứ để đến lúc nó chịu không nổi thì ắt sẽ tự dọn ra ngoài. Có lẽ giờ đây con bé đã trưởng thành. Nó biết bản thân mình suy nghĩ gì và làm gì. Cho nên cha mẹ phải tôn trọng sự lựa chọn của con gái.
Lanh nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống tập thể. Sống hòa đồng với bạn bè, học giỏi và được thầy cô, bạn bè quý mến. Đặc biệt, Lanh rất năng nổ và xông xáo tham gia phong trào của đoàn, hội tổ chức và phát động.
Hôm nay nghe chi đoàn thông báo sắp tới có đợt hiến máu tình nguyện, Lanh rất hào hứng mong chờ, đếm từng ngày để nhớ đăng ký tham gia vì đây là việc làm rất có ý nghĩa. Mình là đoàn viên trẻ, cái gì giúp ích được cho xã hội thì mình sẽ làm.
Một ngày cuối tuần đầu tháng 3, đoàn trường kết hợp với bệnh viện huyết học- truyền máu tổ chức buổi hiến máu tình nguyện.
Lanh đã có mặt tại địa điểm hiến máu ngay từ sáng sớm. Lanh tranh thủ để còn kịp về quê thăm gia đình. Hiến máu xong, Lanh bắt xe đò về thành phố. Tới nơi, nhìn dáng vẻ con gái khác lạ, bà Nghiêm thắc mắc:
– Sao nhìn mặt mày con có vẻ xanh xao quá vậy?
Sợ mẹ phát hiện chuyện vừa hiến máu hồi lúc sáng chắc sẽ bị la cho một trận. Lanh nhanh trí bảo:
– Dạ, tại vì hổm nay bài vở hơi nhiều, con phải thức khuya làm bài, ăn uống không điều độ nên vậy. Không sao đâu mẹ. Về nhà có mẹ bồi bổ, con sẽ nhanh chóng lấy lại dáng vẻ thôi hà.
– Dẫu biết là việc học hành là quan trọng, nhưng con phải chú ý đến sức khỏe của bản thân nghe hôn. Có sức khỏe là có tất cả.
– Dạ, con biết rồi. Từ rày về sau con sẽ chú ý nhiều hơn ạ.
***
Lanh cùng các bạn đoàn viên tham gia chuyến về nguồn tại một xã vùng sâu. Tại đây, các bạn tham gia các hoạt động như trao quà hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phát hoang bụi rậm, trồng hoa trên một số tuyến đường…
Cuối tuần không thấy con gái về nhà, không biết nó ở lại làm gì. Nóng lòng nên bà Nghiêm mở Zalo gọi video call cho con gái.
Lanh cùng các bạn khoác lên mình cái áo màu xanh tình nguyện, đầu đội nón tai bèo, ai nấy cũng hồ hỡi, tay xách nách mang chuẩn bị quà trao tặng các em nhỏ vùng sâu. Đang trao quà thì thấy cuộc điện thoại của mẹ. Trước đó đã hai cuộc gọi nhỡ.
– Dạ, con nghe mẹ ạ!
– Con đang làm gì. Ở đâu vậy?
– Dạ con cùng với các bạn trao quà hỗ trợ các em nhỏ ở vùng sâu mẹ ạ. Rồi Lanh quay camera sang từng đứa trẻ cho bà Nghiêm xem. Đúng lúc này, một đứa trẻ khệ nệ xách bịch cam sành tới đứng trước mặt Lanh:
– Mẹ em gửi tặng mấy anh, chị ăn lấy thảo ạ!
Dúi bịch cam vào tay Lanh rồi thằng bé chạy đi thật nhanh. Lanh nhận ra nó là đứa trẻ vừa mới nhận quà lúc nãy.
Nhìn vào màn hình điện thoại, thấy con gái đang bận rộn công việc. Con giờ đã lớn thiệt rồi, biết lo nghĩ cho người khác. Hiểu được việc làm ý nghĩa của con, bà Nghiêm không ngăn cản nữa, mà thay vào đó bằng những lời động viên:
– Ừa, việc làm đó rất ý nghĩa! Nhưng con phải biết giữ gìn sức khỏe nha con.
– Dạ, con biết rồi ạ.
Theo sự hướng dẫn của anh bí thư chi đoàn ấp, trao quà các em nhỏ xong, đoàn của Lanh tiếp tục đi phát hoang bụi rậm, chuẩn bị trồng hoa trên tuyến đường liên ấp. Vừa làm, vừa trò chuyện cười nói vui vẻ. Thỉnh thoảng trong đám bạn có ai đó cất lên lời ca:
“… Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
(“Khát vọng tuổi trẻ” của Vũ Hoàng)
Một người bắt lời, cả nhóm hát theo. Nghe tiếng các bạn sinh viên tình nguyện, một anh nông dân đang hái dừa trong vườn xách mấy trái dừa tươi ra tặng:
– Nè, các bạn uống cho mát.
Lúc này, bà Hai trong nhà bưng rổ khoai lang luộc vẫn còn đang nghi ngút khói ra lộ, đến gần các bạn sinh viên tình nguyện, bà bảo:
– Giờ cũng trưa rồi. Chắc mấy cháu đã đói bụng. Dùng mấy củ khoai lang cho đỡ đói.
Bà Hai đưa rổ khoai cho Lanh và biểu chia ra cho mọi người cùng ăn. Hai tay Lanh nhận lấy rổ khoai và cám ơn bà Hai. Lanh đưa mỗi người một củ.
Cả nhóm ngồi dưới tán cây ven đường nghỉ ngơi ăn khoai, uống nước. Tay cầm củ khoai nóng hổi, Lanh ngước mặt nhìn ánh mặt trời đang chiếu rọi, đưa mắt nhìn quanh các bạn đoàn viên, có bạn còn đang lau vội những giọt mồ hôi trên trán, Lanh mỉm cười thầm nghĩ, mặt trời đã đứng bóng.
Ánh nắng chói lọi chiếu thẳng xuống miền quê. Nắng miền quê, dù có chói chang nhưng vẫn thấy gần gũi và mát dịu, như tấm lòng của người dân quê luôn hiền hòa và mến khách.
NGUYỄN VĂN DÔ (Long Hồ)