DNVN – Tích hợp năng lượng tái tạo là yếu tố quan trọng để hiện đại hóa lưới điện, định hình lại cách chúng ta sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện năng.
Mục tiêu của hiện đại hóa lưới điện là chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng điện hiện tại để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21 và xa hơn nữa. Sự thay đổi của thị trường lưới điện và năng lượng này là quá trình phức tạp và thường xuyên. Cần có sự hợp tác giữa các công ty điện lực, các công ty công nghệ, các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng để vượt qua những thách thức và nắm bắt các cơ hội của hiện đại hóa lưới điện. Yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi này là việc tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm cả năng lượng tái tạo, vào lưới.
Lịch sử năng lượng tái tạo trong lưới điện
Năng lượng tái tạo là một trong những hình thức sản xuất năng lượng lâu đời nhất. Cối xay gió và bánh xe nước đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước để sản xuất năng lượng cơ học cũng như các sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, động cơ hơi nước và than đã trở thành nguồn năng lượng chính. Các cuộc khủng hoảng dầu mỏ lan rộng trong suốt cuối thế kỷ 20 đã thúc đẩy sự quan tâm trở lại với năng lượng tái tạo, đặc biệt từ các nguồn phát chính như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.
Thế kỷ 21 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, với năng lượng mặt trời và gió dự kiến sẽ chiếm 95% công suất năng lượng tái tạo mở rộng trên toàn cầu. Dự báo cho thấy, vào năm 2025 năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn điện lớn nhất thế giới. Sự dịch chuyển mạnh mẽ trong các nguồn năng lượng có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát thải khí toàn cầu và lưới điện trong tương lai.
Nhiều nguồn năng lượng tái tạo đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy, hiệu quả và tính bền vững của lưới điện.
Năng lượng tái tạo hỗ trợ hiện đại hóa lưới điện
Một số nguồn năng lượng tái tạo đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy, hiệu quả và tính bền vững của lưới điện, bao gồm:
Mặt trời: Năng lượng mặt trời được tạo ra bằng cách sử dụng các tấm pin quang điện chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng. Công việc này có thể được thực hiện tại các hộ gia đình riêng lẻ hoặc tại các trang trại năng lượng mặt trời lớn.
Gió: Năng lượng gió sử dụng tuabin gió khai thác động năng để tạo thành điện năng. Điện gió thường được sản xuất tại các trang trại gió ở những vùng đồng bằng rộng lớn, nhưng nhờ các công nghệ tuabin mới, việc sản xuất điện gió ở quy mô nhỏ hơn cũng ngày càng khả thi.
Thủy điện: Thủy điện dùng đập để tận dụng năng lượng của nước chảy sản xuất điện. Hình thức sản xuất năng lượng này đã tồn tại từ nhiều thế kỷ và vẫn là nguồn sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất ở nhiều nơi trên thế giới.
Năng lượng sinh học: Năng lượng sinh học sử dụng các vật liệu hữu cơ, chẳng hạn như gỗ, chất thải nông nghiệp và tảo, để tạo ra nhiên liệu có thể để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Sinh học đã trở thành nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất trên toàn cầu hiện nay, chiếm 55% năng lượng tái tạo và hơn 6% nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.
Địa nhiệt: Năng lượng địa nhiệt khai thác nhiệt được lưu trữ trong lòng Trái đất để tạo ra điện hoặc nhiệt. Máy bơm nhiệt địa nhiệt đã trở thành lựa chọn phổ biến cho nhà ở để thay thế lò và điều hòa không khí.
Thủy triều và sóng: Năng lượng thủy triều và sóng khai thác sự chuyển động tự nhiên của thủy triều và sóng biển. Đây là một lĩnh vực mới nổi trong nghiên cứu và phát triển năng lượng, với các dự án sử dụng các thiết bị sóng ngầm và tua bin thủy triều mới bắt đầu triển khai.
Mỗi nguồn năng lượng này có những ưu điểm và nhược điểm riêng, việc lựa chọn nguồn năng lượng phù hợp cho một khu vực hoặc ứng dụng cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khí hậu, địa lý và các điều kiện kinh tế. Các yếu tố nói trên có thể hạn chế khả năng sử dụng một số loại hình năng lượng tái tạo, nhưng cơ cấu năng lượng phù hợp có thể tác động tích cực đến hiện đại hóa lưới điện.
Ông Matthew Borst.
Lợi ích và thách thức của năng lượng tái tạo đối với hiện đại hóa lưới điện
Sử dụng năng lượng tái tạo là yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi lưới điện truyền thống thành lưới điện sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững hơn. Hiện đại hóa lưới điện mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống cũng như người dùng. Các công ty điện lực được hưởng lợi vì năng lượng tái tạo có thể sản xuất điện liên tục – loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ các khu vực bất ổn. Năng lượng tái tạo phi tập trung hóa hoạt động phát điện, giúp phân phối điện rộng rãi hơn để cải thiện khả năng chống chịu về năng lượng. Nhờ đó có thể giảm được nhu cầu xây dựng nhà máy điện và lưới điện mới.
Người dùng được hưởng lợi vì năng lượng tái tạo tạo không phát thải hoặc phát thải rất ít khí nhà kính hoặc các chất gây ô nhiễm không khí, giúp cải thiện chất lượng không khí và tác động môi trường tổng thể của việc phát điện. Năng lượng tái tạo cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành năng lượng mới và có thể kích thích tăng trưởng kinh tế ở nhiều khu vực.
Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho hiện đại hóa lưới điện, nhưng việc chấp nhận và triển khai năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn đầu tư ban đầu cao, nhưng chi phí sẽ giảm theo quá trình phát triển. Đặc biệt, chi phí xây dựng cao hơn do năng lượng tái tạo cần sử dụng lưu trữ năng lượng cho các hoạt động quy mô lớn. Một số nguồn tái tạo, như mặt trời và gió, có thể bị gián đoạn trong quá trình sản xuất điện do điều kiện thời tiết, gây khó khăn cho các công ty điện lực khi lập kế hoạch nhu cầu. Ngoài ra, một số nguồn tái tạo phụ thuộc vào điều kiện địa lý, như địa hình bằng phẳng hoặc nguồn nước, gây khó khăn cho việc sử dụng bên ngoài các khu vực đó.
Giải quyết những thách thức này là điều kiện thiết yếu để mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và hiện đại hóa lưới điện. Phát triển cơ cấu năng lượng phù hợp, đảm bảo cung cấp điện bền vững là yếu tố then chốt để triển khai thành công.
Lộ trình tương lai
Quá trình chuyển đổi trong thị trường lưới điện và năng lượng là một hành trình phức tạp và liên tục. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các công nghệ tiên tiến và hợp tác giữa các bên liên quan trên thị trường là các biện pháp giúp phát huy toàn bộ tiềm năng của năng lượng tái tạo để hiện đại hóa lưới điện. Nhờ đó thế giới có thể xây dựng một lưới điện có khả năng chống chịu, hiệu quả và bền vững hơn cho tương lai. Giống như một danh mục đầu tư cân bằng, lưới điện sẽ được đình hình bởi các nguồn cung cấp năng lượng bền vững trong tương lai.
Matthew Borst, Keysight Technologies
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/nang-luong-tai-tao-giup-hien-dai-hoa-luoi-dien/20250120030218281