Đông Nam Á, với lợi thế về khí hậu nhiệt đới và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đang trở thành một trong những khu vực sôi động nhất trong việc phát triển năng lượng mặt trời.
Lễ động thổ Dự án năng lượng mặt trời Meralco Terra Solar ở thành phố Gapan, Luzon, Philippines. (Nguồn: Meralco Terra Solar) |
Các quốc gia trong khu vực đã và đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn, từ các nhà máy điện mặt trời nổi đến các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Với nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào, các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đã xác định năng lượng mặt trời là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ tài chính và giảm thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành năng lượng sạch này.
Bước đột phá của Philippines
Philippines vừa đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng khi khởi công dự án điện mặt trời Meralco Terra, dự án lớn nhất thế giới kết hợp năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ pin hiện đại.
Lễ động thổ diễn ra tại thành phố Gapan, tỉnh Nueva Ecija, với sự tham dự của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr.. Ông đã bày tỏ niềm tin rằng dự án này sẽ đưa Philippines trở thành một cường quốc năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2027, Meralco Terra không chỉ cung cấp đủ điện cho hơn 2 triệu hộ gia đình mà còn góp phần giảm đáng kể lượng khí thải carbon, tương đương với việc loại bỏ hàng triệu chiếc ô tô khỏi đường phố.
Theo Bộ Năng lượng Philippines, với quy mô trải dài trên 3.500 ha và công suất sản xuất điện ấn tượng, dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
“Giấc mơ lớn” của Indonesia
Indonesia đã ghi một dấu ấn quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng khi khánh thành nhà máy điện mặt trời nổi Terapung Cirata vào tháng 11 năm ngoái. Với công suất 192 MWp, nhà máy này không chỉ là lớn nhất Đông Nam Á mà còn đứng thứ ba trên toàn thế giới, đặt nền móng cho một tương lai năng lượng xanh tại đất nước vạn đảo.
Tổng thống Joko Widodo khi đó đã ví Terapung Cirata như một “giấc mơ lớn” trở thành hiện thực. Ông nhấn mạnh rằng nhà máy không chỉ cung cấp nguồn điện sạch mà còn bổ sung hoàn hảo cho hệ thống thủy điện hiện hữu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thậm chí, Indonesia còn đặt mục tiêu nâng công suất của nhà máy lên đến 1.000 MWp trong tương lai, khẳng định quyết tâm trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thái Lan – Quốc gia dẫn đầu
Tại ASEAN, hiện Thái Lan là quốc gia dẫn đầu khu vực trong sử dụng điện mặt trời. Dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời tại Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW.
Để khuyến khích phát triển điện mặt trời ở các dự án nhỏ, Thái Lan đã đưa ra các mức hỗ trợ cao nhất cho các nhà sản xuất nhỏ. Cụ thể, Thái Lan đưa ra mức giá ưu đãi 21 cent/kWh cho các dự án năng lượng Mặt trời trên mái nhà, đồng thời khởi xướng chương trình “Mái nhà quang điện”.
Trang trại rộng 120 ha được đặt tại đập thủy điện Sirindhorn (Thái Lan) đã đi vào vận hành từ đầu năm 2022 với công suất 45MW. Vào ban ngày, 145.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt tại đây có nhiệm vụ tạo ra nguồn điện. Ban đêm, nhà máy tiếp tục sản xuất điện bằng 3 tourbin cỡ lớn sử dụng sức nước phía dưới.
Ước tính trang trại điện mặt trời này giúp giảm 47.000 tấn khí CO2 ra môi trường mỗi năm. Và dù khu trang trại chỉ chiếm khoảng 1% diện tích mặt hồ, nhưng có tác dụng giữ lại lượng nước 460.000 m3 khỏi bốc hơi mỗi năm. Khí mát từ nước mặt hồ bảo đảm cho các tấm pin không bị quá nóng, tăng hiệu suất phát điện thêm 15% so với lắp đặt trên đất liền.
Điện mặt trời nổi
Ở Đông Nam Á, sự phát triển kinh tế nhanh chóng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng thường đi kèm với tình trạng thiếu hụt về đất đai. Điện mặt trời nổi là giải pháp hấp dẫn bởi khả năng tạo ra năng lượng sạch mà không cần quá nhiều diện tích đất.
Điện mặt trời nổi, còn được gọi là quang điện nổi (floating photovoltaic hay FPV), là loại hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp đặt nổi trên mặt nước.
Các hệ thống này có thể giảm thiểu tình trạng bốc hơi nước từ các hồ chứa và mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn nhờ tác dụng làm mát của nước.
Một trong những nơi ứng dụng điện Mặt trời nổi thành công ở Malaysia là trang trại năng lượng mặt trời hỗn hợp với công suất 100MW, do công ty Cypark Resources Berhad của Malaysia sở hữu và phát triển. Trang trại này nằm ở Merchang, một thị trấn ven biển ở tiểu bang Terengganu, Đông Bắc Malaysia. Đi vào hoạt động chính thức từ ngày 9/6, kỳ vọng tạo ra đủ năng lượng sạch để bù đắp 202.024 tấn khí thải CO2 hàng năm.
Ông Dato Ami Moris, Chủ tịch điều hành Cypark Resources Berhad, cho biết nhà máy điện Mặt trời hybrid này là dự án lớn nhất và độc đáo nhất của Malaysia, kết hợp cả hệ thống pin nổi và pin mặt đất, đặc biệt phù hợp với địa hình dễ ngập lụt của Terengganu.
Tiềm năng của Việt Nam
Tại Việt Nam, nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng sạch, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển năng lượng Mặt trời. Điển hình là Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, đặt ra mục tiêu rõ ràng về việc tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia.
Dự án nhà máy điện mặt trời 450 MW Trung Nam, Thuận Nam, Ninh Thuận là minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Với quy mô lớn và công nghệ hiện đại, dự án không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Phát triển năng lượng mặt trời không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bằng cách tận dụng nguồn năng lượng sạch, dồi dào và vô tận từ mặt trời, các quốc gia Đông Nam Á đang tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng đất nước và khu vực phát triển bền vững.