Qua theo dõi nhiều năm của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&MT), 2 hình thái thiên tai này xuất hiện ngày càng thường xuyên, trái quy luật và có xu hướng khốc liệt hơn, đây chính là hệ quả của quá trình biến đổi khí hậu. Điều đáng nói, các dự báo khí hậu tới đã chỉ ra, đến năm 2050, lượng mưa hằng năm có xu thế tăng ở mức 10-30%, mực nước biển dâng từ 22-26cm (so với năm 2010) và điều này là những thách thức lớn cho tỉnh.
Để tăng khả năng kháng chịu của hệ thống thủy lợi, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, nổi bật là Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030"; Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước…
Từ nền tảng các chính sách này, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả, như: Hồ chứa nước Khe Giữa; hồ Khe Tâm - công trình cấp nước sinh hoạt cho xã vùng cao trên địa bàn xã Ba Chẽ; nhiều tuyến đê trọng yếu cũng đã được quan tâm duy tu, bảo dưỡng…
Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 397km đê bảo vệ gần 44.000ha đất và khoảng 250.000 người dân, đặc biệt tuyến đê Hà Nam đã đạt tiêu chuẩn cấp III, bảo vệ hơn 61.000 dân và 5.100ha đất, đủ sức chống bão cấp 10 và thủy triều cao tần suất lớn. Về hồ đập, với 176-188 đập và hồ chứa (tổng dung tích khoảng 360 triệu m³), đủ cung cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và thủy sản. Các hồ lớn như Yên Lập được rà soát, nâng cấp hệ thống quan trắc mưa, xả tràn và thuỷ văn theo hướng thông minh. Mạng lưới quan trắc tự động được mở rộng, với 75 trạm đo mưa kết nối hệ thống radar khí tượng, bổ sung 11 trạm khí tượng thủy hải văn, cho phép cảnh báo sớm mưa lớn, bão và triều cường. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái “lá chắn xanh” với hơn 22.000ha rừng ngập mặn ven biển, góp phần giảm xói lở, bảo vệ đê biển, nuôi trồng thủy sản và tạo sinh kế cho người dân.
Một kết quả thấy rõ là trong các năm vừa qua, mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trái quy luật (nắng nóng diện rộng, kéo dài, mưa muộn…) nhưng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nguồn nước tại các công trình thủy lợi là tiền đề để số hộ dân sống tại khu vực nông thôn sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn đạt tỷ lệ khoảng 85,5% (đạt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 31- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2025 là trên 85%; vượt chỉ tiêu được phê duyệt tại Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ là 65%).
Dù đã có những bước chuyển mình tích cực, hệ thống thủy lợi của tỉnh vẫn tồn tại những điểm yếu cần sớm được khắc phục. Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ thuộc Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước còn chậm với tiến độ đề ra, liên quan đến xây dựng hồ Tài Chi (xã Quảng Đức) hay việc kín hóa hệ thống kênh Yên Lập phục vụ khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các phường: Vàng Danh, Uông Bí, Việt Hưng, Tuần Châu, Bãi Cháy… Trong khi đó, đây là các dự án có tính chiến lược, nếu không được đẩy nhanh tiến độ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung cấp nước ổn định, nhất là trong các tình huống thời tiết cực đoan.
Đáng chú ý là hệ thống đê điều của tỉnh có số lượng nhiều (xấp xỉ 400km), chịu tác động trực tiếp của bão biển, nhưng hiện nay, mới chỉ đủ khả năng chịu được gió bão cấp 9 kết hợp mực nước triều trung bình. Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cơn bão số 3 năm 2024 cường độ gió rất mạnh, nhưng rất may là thời điểm bão đổ bộ, mực nước triều thấp. Nếu thủy triều chỉ cần đạt mức trung bình thì hậu quả sẽ không thể lường hết được. Trước những tồn tại nói trên, đơn vị đã báo cáo Sở NN&MT tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành (hồ Tài Chi, công trình Yên Lập) giai đoạn 2025 theo lộ trình tại Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước đã đề ra. Bởi việc nghiên cứu, xây dựng một công trình thủy lợi hồ chứa và đưa vào khai thác mất thời gian từ 2-5 năm. Nếu chỉ được xem xét, đặt ra nhiệm vụ khi có tình huống thì không thể đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp khẩn trương đưa hồ chứa nước C22 (đặc khu Cô Tô) vào khai thác; xây dựng tiêu chuẩn nâng cấp đê cấp IV-V lên khả năng chịu bão cấp 12-13 và triều cao kỷ lục; phân vùng trọng điểm, kịch bản tình huống và đầu tư xã hội hóa bảo vệ đê, rừng chắn sóng, đồng bộ giữa hạ tầng cứng (đê, kè) và mềm (rừng ngập mặn); đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Nâng cao an toàn hệ thống đê điều thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050… Từ đó đảm bảo mục tiêu khi hoàn thành, hệ thống đê trên địa bàn có bước thay đổi lớn về chất, đủ khả năng chống chịu với tình huống thiên tai tương tự như bão số 3.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-kha-nang-chong-chiu-cua-he-thong-thuy-loi-3365041.html
Bình luận (0)