Những năm qua, Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà tỉnh có thế mạnh. Điển hình như cây chè, toàn tỉnh hiện có 8.298ha chè; trong đó có 2.270ha chè đặc sản, sản lượng búp tươi đạt trên 74.000 tấn/năm.
Trong khi, diện tích cây cam của tỉnh ước đạt 7.412ha, sản lượng trên 95.000 tấn quả. Có 1.423,6 ha cây cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 33,4ha theo tiêu chuẩn hữu cơ. Và diện tích cây bưởi trên 5.358ha, trong đó 4.626ha cho quả. Hiện tại, bưởi Xuân Vân và cam sành Hàm Yên được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Đến nay, Tuyên Quang đã có trên 3.200ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, được cấp 9 mã số vùng trồng, 3 mã số cơ sở đóng gói; sản phẩm được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu thị trường; thương hiệu, sức cạnh tranh nông sản tiếp tục được nâng cao. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt bình quân đạt 108,2 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, với 448.239,9ha đất lâm nghiệp, diện tích rừng hiện có 426.205ha, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang có bước phát triển nổi bật. Đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 2 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hàng năm trên 900.000m3/năm, đứng tốp đầu cả nước về sản lượng khai thác; hàng năm trồng mới trên 11.000ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, nhiều địa phương trong tỉnh đạt trên 70%.
Đến nay, Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể, trong đó có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 1 sản phẩm trình Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (Chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá).
Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP sẽ được tỉnh ưu tiên lựa chọn, giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee… Giá bán sản phẩm sau khi tham gia chương trình tăng 10 – 30%, tạo động lực cho chủ thể và các thành viên liên kết phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.
Tuyên Quang đã xây dựng được 28 chuỗi liên kết sản phẩm an toàn, có 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Hiện nay ngành Nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Song lĩnh vực nông nghiệp luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng vượt khó của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân nên các mục tiêu tăng trưởng của ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt trên 5,3%; năm 2022 đạt gần 4,4%, và 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 4,3%. Nổi bật như diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn chất lượng tăng cao, tăng từ 1.600ha lên 3.200ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tăng lên 48.318ha, đứng trong top đầu cả nước.
Ông Việt cho biết thêm: Thời gian tới, Ngành nông nghiệp tập trung thực hiện một số mục tiêu trọng tâm: Tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là củng cố kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; phấn đấu các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực đều được sản xuất theo các hình thức tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản; Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tiêu chuẩn sản phẩm nông sản, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ giống cây trồng chất lượng cao.
Được biết, Tuyên Quang sắp tới sẽ ứng dụng các công nghệ giám sát thiên tai như: Hệ thống đo mưa, hệ thống cảnh báo cháy rừng, quản lý tài nguyên rừng… và tất cả sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt, nhất là vùng cây nông sản tập trung, chuyên sâu, từ đó có thể phát hiện sớm để ngăn chặn và chữa trị sâu bệnh cho cây trồng, mục đích cuối cùng là nâng cao sản lượng, chất lượng cho cây nông sản.