Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới. Gạo là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ – thương mại nông nghiệp Xuân Tiến (H.Xuân Lộc) giới thiệu sản phẩm gạo đặc sản ST25 trồng theo hướng hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: B.NGUYÊN |
Tại Đồng Nai, diện tích trồng lúa hơn 52,5 ngàn ha/năm. Nông dân trồng lúa của tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, đầu tư trồng giống lúa đặc sản theo hướng hữu cơ để nâng cao lợi nhuận, tăng sức cạnh tranh.
Đứng đầu tăng trưởng xuất khẩu
Nhiều vùng trồng lúa trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch. Nông dân trồng lúa thắng lớn vì được mùa, trúng giá. Ngay thời điểm rộ vụ thu hoạch, giá lúa bán ra vẫn cao hơn so với mọi năm.
Ông Lê Ngọc Hải, xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) khoe, vụ này năng suất lúa đạt cao nhất so với các vụ khác trong năm và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thương lái mua lúa thường với giá 6,8 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg; lúa ST25 có giá 10 ngàn đồng/kg, tăng 1,8 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, năm 2022, toàn tỉnh trồng được hơn 52,5 ngàn ha lúa, tổng sản lượng đạt gần 297 ngàn tấn. Nhờ áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao, năng suất lúa trên địa bàn tỉnh tăng theo mỗi năm.
|
Nguyên nhân giúp giá lúa tăng là do xuất khẩu gạo của Việt Nam thuận lợi, tăng cả về số lượng lẫn giá. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam đạt kỷ lục khi xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn gạo, thu về gần 4 tỷ USD nhờ nhu cầu và giá gạo trên thế giới tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, thu về 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu.
Đáng chú ý, nhiều thời điểm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, gạo Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu và đang tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này.
Theo nhận định của các chuyên gia, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục tăng do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực. Hiện nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Châu Âu cũng tăng dự trữ lương thực mở thêm cơ hội cho gạo Việt Nam vào thị trường này.
Xây dựng thương hiệu gạo sạch Đồng Nai
Hiện nay, gạo Việt Nam thuộc tốp đầu về năng suất và chất lượng ngày càng được đánh giá cao trên thị trường thế giới do cây trồng này được đầu tư mạnh từ khâu giống đến quy trình sản xuất.
Thu hoạch lúa trồng theo hướng hữu cơ tại cánh đồng ấp Bình Lục, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu |
Nhiều huyện có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh như: Định Quán, Tân Phú… đang nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết trồng lúa sạch. Nhiều vùng chuyên canh trồng lúa đã ứng dụng công nghệ cao từ khâu xuống giống đến chăm sóc, thu hoạch. Để tăng giá trị cho cây lúa, nông dân trong tỉnh đã thực hiện cánh đồng lớn, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho lúa đặc sản, lúa hữu cơ.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho hay: “HTX hiện có 95 xã viên tham gia liên kết sản xuất lúa với tổng diện tích là 150ha. HTX tiên phong trong đầu tư máy móc hiện đại thay cho sức lao động của con người. Ngoài ra, HTX còn liên kết với nông dân ở H.Định Quán, H.Cẩm Mỹ… để nhân rộng diện tích lúa đặc sản theo hướng hữu cơ”.
Sản phẩm gạo sạch của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. HTX đầu tư làm bao bì, nhãn hiệu, đăng ký tham gia chương trình OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để xây dựng thương hiệu đặc sản gạo hữu cơ của Đồng Nai để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng lợi nhuận cho xã viên.
Tham gia dự án Xây dựng chuỗi liên kết trồng lúa hữu cơ do Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) đang triển khai tại Đồng Nai, bà Đoàn Thị Như, nông dân tại xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) cho biết, trồng lúa hữu mang lại nhiều lợi ích cho nông dân vì bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất. Đặc biệt, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ 50% vật tư đầu vào; có cán bộ hướng dẫn quy trình sản xuất; hướng dẫn ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ chuyển đổi thành phân bón hữu cơ cũng góp phần tiết kiệm được phần nào tiền mua phân bón…
“Tuy doanh nghiệp cam kết bao tiêu đầu ra nhưng người dân trong vùng trả giá cao hơn đặt mua gạo sạch rất nhiều nên tôi tự bán. Tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lúa hữu cơ vì sản phẩm bán ra được giá cao, mang lại lợi nhuận tốt cho người trồng” – bà Như nói.
Bình Nguyên
Bộ Trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN:
Nông dân có thể làm giàu từ cây lúa
Hiện có ý kiến không nên trồng lúa nữa vì ngành hàng lúa gạo mang lại giá trị thấp và người nông dân trồng lúa là người ở tầng thấp trong mức độ thu nhập. Rất nhiều năm, chúng ta lấy sản lượng làm mục tiêu, chủ yếu là làm mọi giải pháp để tăng sản lượng lên nhưng hiện tại mức sản lượng không đồng nghĩa với thu nhập, thậm chí là đi ngược lại thu nhập.
Lúa gạo không phải loại nông sản để buôn chuyến nữa, mà cần trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế. Bởi vì đến lúc, sản lượng sẽ nhỏ lại, diện tích sẽ giảm nhưng phải tăng về chất và tăng về giá trị. Chúng ta phải tổ chức lại một hệ sinh thái ngành hàng, có sự tham gia đầy đủ từ các nhà khoa học, các viện, các trường, các HTX tới người nông dân rồi chính quyền địa phương vào cuộc. Đó là một chuỗi để nâng hình ảnh của ngành lúa gạo lên, nâng thương hiệu, chuỗi giá trị lên…
Phó trưởng ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế, Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ:
Tiếp tục trao quyền cho nông dân
Khi xây dựng chính sách để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, Hội Nông dân đã phối hợp với nhiều tổ chức uy tín tìm hiểu xem những thách thức, khó khăn mà nông dân gặp phải khi chuyển đổi là gì, từ đó đưa ra những đề xuất để tháo gỡ.
Nông dân Việt Nam vẫn duy trì hình thức sản xuất quy mô nhỏ. Do đó, một vấn đề luôn được quan tâm là làm thế nào để nông dân nâng cao vị thế, vai trò của mình. Khi nông dân có năng lực, kỹ năng tốt, họ cảm thấy mình được trao quyền thì sự đóng góp của họ vào việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm sẽ mạnh mẽ hơn.
Để làm được việc này, ngoài hỗ trợ kỹ năng sản xuất, cần hỗ trợ nông dân để họ có được kỹ năng tiếp cận với thông tin từ thị trường, nguồn vốn; tiến bộ khoa học công nghệ; có kỹ năng trình bày, đề đạt nguyện vọng, để nói lên tiếng nói của mình.
Lê Quyên (ghi)
.