SGGP
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhấn mạnh, TPHCM đã và đang dồn nhiều nguồn lực củng cố, nâng chất hệ thống y tế cơ sở, đây là mục tiêu trọng tâm của ngành y tế thành phố nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân.
TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM |
Chưa thu hút được nhiều bác sĩ
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, việc nâng cao năng lực y tế cơ sở được ngành y tế TPHCM triển khai như thế nào trong thời gian qua?
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Ngành y tế TPHCM nhận được sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo UBND các quận huyện, TP Thủ Đức triển khai đồng loạt giải pháp giúp phát huy hiệu quả các chính sách bổ sung nhân lực cho trạm y tế. Các bệnh viện đa khoa thành phố, trung tâm y tế, trạm y tế đã phối hợp nhịp nhàng dưới sự hướng dẫn và giám sát của Sở Y tế, triển khai thành công chương trình thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế.
Từ khi thực hiện Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn mới, số lượng nhân lực được thu hút, tăng cường cho trạm y tế đến hết tháng 8-2023 là 1.123 người với tổng kinh phí chi trả từ tháng 4-2022 đến 8-2023 là gần 66,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành y tế thành phố tiếp tục ưu tiên ngân sách chi không thường xuyên cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế đủ điều kiện để chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, các bệnh viện thành phố tiếp tục hỗ trợ các bác sĩ của trạm y tế thông qua hoạt động kết nối và tư vấn từ xa.
Qua đợt giám sát mới đây của Thường trực HĐND TPHCM cho thấy nhiều trung tâm y tế, trạm y tế vẫn chưa thu hút được nhiều bác sĩ về công tác. Ông đánh giá sao về thực trạng này?
Thực trạng hiện nay là mức thu nhập của các bác sĩ và nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp, không thể cạnh trạnh với các đơn vị tư nhân và cả các bệnh viện công lập nên việc thu hút người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, không phải tất cả bác sĩ mới tốt nghiệp đều muốn tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế. Khóa đầu tiên có 295 bác sĩ tham gia nhưng có 25 bác sĩ xin không tiếp tục tham gia chương trình vì nhiều lý do. Tháng 10-2022, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TPHCM trao đổi và giới thiệu các bác sĩ mới ra trường của năm 2022 đăng ký tham gia chương trình thực hành. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ tốt nghiệp tham gia chương trình còn thấp (132 bác sĩ tham gia/1.200 bác sĩ tốt nghiệp). Bên cạnh đó, tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trung tâm y tế, trạm y tế vẫn chưa thu hút được bác sĩ lựa chọn công tác sau khi hoàn thành chương trình thực hành.
Trong “Ngày hội việc làm” dành cho các bác sĩ hoàn thành chương trình thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế được Sở Y tế tổ chức, chỉ có 21 trong tổng số 207 bác sĩ lựa chọn về trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức (chiếm 10%). Nguyên nhân là điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa cao, chính sách và cơ hội về thăng tiến nghề nghiệp tại y tế cơ sở chưa rõ ràng. Tìm kiếm mô hình mới phù hợp.
Vậy theo ông, nguồn nhân lực nào phù hợp cho y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế phường, xã, thị trấn?
Tại TPHCM, thực tiễn gần 2 năm thí điểm hướng dẫn thực hành tại bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế cho thấy, các bác sĩ đã có những trải nghiệm thực tế trong công tác khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Tiếp cận được một môi trường làm việc hoàn toàn khác với môi trường bệnh viện giúp họ hiểu hơn và cảm thông hơn với mong mỏi của người dân, từ đó có nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn và nhất là có thêm trải nghiệm trong công tác chăm sóc và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
Tại các quốc gia có hệ thống khám chữa bệnh ban đầu phát triển mạnh, câu trả lời đã rõ, loại hình bác sĩ thực hành tổng quát chính là nguồn nhân lực chính đảm trách công tác khám chữa bệnh ban đầu. Nhiều quốc gia như Anh, Australia, Canada và một số nước khác đã đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát ngay sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo bác sĩ y khoa ở các trường đại học, thời gian đào tạo thường trong vòng 12 tháng.
BS Hoàng Thị Phượng thao tác trên bộ máy X-quang tích hợp trí tuệ nhân tạo tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM |
“Bác sĩ thực hành tổng quát” chính là “bác sĩ gia đình”?
Bác sĩ thực hành tổng quát và bác sĩ gia đình là hai thuật ngữ khác nhau, nhưng có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là bác sĩ thực hành tổng quát, chuyên chăm sóc sức khỏe ban đầu và có thể chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường, kê đơn thuốc, giới thiệu bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết. Cả hai đều có thể làm việc tại các phòng khám, bệnh viện, hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Điểm khác biệt, thời gian đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát thường trong 6 năm (4 năm học y khoa đại cương và 2 năm thực tập), còn bác sĩ gia đình thường được đào tạo trong 8 năm (4 năm học y khoa đại cương, 3 năm nội trú và 1 năm thực tập).
Bên cạnh việc tiếp tục bổ sung và hoàn thiện thêm các chính sách giúp bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, mong rằng Bộ Y tế xem xét và sớm ban hành hướng dẫn thực hành khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại y tế cơ sở dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ thực hành tổng quát, tương đương bác sĩ gia đình của các nước. Với quy định mới này sẽ tạo thêm luồng sinh khí mới và bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng dành cho y tế cơ sở.