(Dân trí) – Trao đổi với Dân trí, các chuyên gia cho rằng việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ vừa mang ý nghĩa biểu tượng, vừa có tác động thực tế rất lớn, thể hiện song trùng lợi ích của hai nước.
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Việt Nam và Mỹ ngày 10/9 đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nêu rõ: “Hai Nhà Lãnh đạo hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nhận định, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ mang lại lợi ích thực chất cho hai nước.
“Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Mỹ không phải chỉ là sự thay đổi trong tên gọi, mà nó phản ánh sự hội tụ lợi ích giữa 2 đất nước, cũng như cam kết hợp tác lâu dài để làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thông qua thương mại, đầu tư, trao đổi công nghệ và thông lệ quản trị tốt”, ông Thayer nói với Dân trí.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc được hỗ trợ nâng cấp công nghệ, chuyển dịch từ khâu đóng gói – xuất khẩu sang khâu thiết kế – sản xuất trong nước. Ngược lại, Mỹ sẽ hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và có được các cơ hội đầu tư mới tại quốc gia có 100 triệu dân.
“Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện”, Tuyên bố chung của hai nước có đoạn.
Quang cảnh buổi hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/9 (Ảnh: Hữu Khoa).
Vừa biểu tượng, vừa thực chất
Sau khi bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995 tới nay, quan hệ hai nước đã vượt qua quá khứ để phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
“Việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, tức là Đối tác Chiến lược Toàn diện, là mốc lịch sử đánh dấu sự tiến triển mạnh mẽ của quan hệ song phương trong vòng gần 30 năm qua”, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak (Singapore), nhận định. “Nó cho thấy sự hòa giải đầy đủ, trọn vẹn giữa hai quốc gia”.
Ông Hiệp chỉ ra rằng tên gọi mới thể hiện hai bên sẽ phát triển quan hệ một cách toàn diện, trên tất cả lĩnh vực quan trọng bao gồm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là an ninh quốc phòng.
Nhưng trong thời gian trước mắt, hợp tác kinh tế sẽ được ưu tiên vì đây là lĩnh vực mang lại kết quả hữu ích cho cả hai bên, đáp ứng được các mục tiêu ngắn hạn, theo ông Hiệp. Một số lĩnh vực khác có thể cần nhiều thời gian hơn để phát triển.
Lợi ích của hợp tác song phương đối với người dân 2 nước được thể hiện rõ nhất qua những con số trong các tuyên bố nhân chuyến thăm của ông Biden.
Chẳng hạn, nhân chuyến thăm của ông Biden, Vietnam Airlines dự kiến ký hợp đồng mua 50 chiếc máy bay Boeing trong thỏa thuận được định giá 7,5 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ “hơn 33.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp” tại Mỹ, theo thông cáo của Nhà Trắng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc trao đổi với báo chí hai nước Việt – Mỹ ngày 10/9 (Ảnh: Trọng Hải).
Hay trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh – lĩnh vực luôn là nền tảng cho quan hệ hai nước, Mỹ đồng ý tăng ngân sách cho dự án tẩy độc dioxin ở sân bay quân sự Biên Hòa từ 183 triệu USD lên 300 triệu USD, cũng như bổ sung 25 triệu USD cho công tác rà phá bom mìn còn sót lại.
Quyết định nâng cấp quan hệ ở một mức độ nào đó còn “bật đèn xanh” cho sự phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới, gửi đi tín hiệu cho bộ máy của hai nước về quyết tâm chính trị của cấp lãnh đạo cao nhất.
“Chính vì vậy, việc nâng cấp quan hệ lần này vừa có ý nghĩa biểu tượng, vừa mang giá trị thực chất cho phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới”, ông Hiệp nói.
Sự nâng cấp đúng thời điểm
Sau quyết định nâng cấp, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 nước là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ. Thời gian tới, Việt Nam cũng có thể xem xét nâng cấp quan hệ với một số nước khác, như Nhật Bản, Australia và Singapore, lên mức tương tự.
“Điều này cho thấy Việt Nam vẫn kiên định và nhất quán trong việc phát triển quan hệ đối ngoại dựa trên các nguyên tắc đa dạng hóa, đa phương hóa và cân bằng quan hệ giữa các nước lớn”, ông Hiệp nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước đông đảo phóng viên Việt Nam và quốc tế trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào tối 10/9 (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo ông Hiệp, phía Mỹ đã cho thấy sự chân thành trong mối quan hệ với Việt Nam, thể hiện qua rất nhiều chuyến thăm trong 2-3 năm qua, từ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Tài chính, tới các đoàn nghị sĩ Mỹ. Đồng thời, Mỹ cam kết tôn trọng khác biệt chính trị.
Việt Nam cũng nhận thấy rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ giúp mang lại lợi ích lớn hơn về kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng…
Thời điểm cũng là yếu tố quan trọng vì năm 2023 là năm chẵn, kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện. Đến năm 2024, nước Mỹ diễn ra bầu cử tổng thống và không thể loại trừ khả năng sẽ có chính phủ mới lên nắm quyền với những ưu tiên đối ngoại khác.
“Tất cả yếu tố trên có thể dẫn tới việc Việt Nam và Mỹ quyết định nâng cấp quan hệ trong năm nay lên mức cao nhất”, ông Hiệp đánh giá.
Một số chuyên gia cho rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng đồng thời nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam.
“Tôi cho rằng Việt Nam đã trở thành “quốc gia then chốt trong khu vực” với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ”, ông Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nói với Dân trí. “Mỹ sẽ đầu tư lớn vào mối quan hệ song phương này”.