Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục bảo vệ môi trường (BVMT), Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, chương trình hành động cụ thể để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên trong lĩnh vực này. Theo đó, các cơ sở giáo dục trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động giáo dục BVMT cả trong chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa góp phần trang bị cho học sinh những kỹ năng hành động BVMT một cách hiệu quả.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa) tham gia dọn vệ sinh khuôn viên trường.
Từ năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Chỉ thị số 02/2005/CT-BGDĐT về việc “Tăng cường công tác giáo dục BVMT”. Đến năm 2008, tiếp tục ban hành Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục BVMT trong nhà trường.
Tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa), việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh BVMT luôn được ban giám hiệu quan tâm, đặc biệt là từ khi thực hiện cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhà trường đã mua thùng rác đặt ở nhiều vị trí khác nhau tạo thuận lợi cho học sinh trong việc làm vệ sinh trường, lớp. Không những vậy, giáo dục BVMT còn được đưa vào nội dung trong các đợt thi đua, có sơ kết, tuyên dương khen thưởng, góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi. Một phương pháp giáo dục BVMT khác được đông đảo học sinh nhà trường nhiệt tình hưởng ứng, đó là nhà trường đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh về chủ đề BVMT, chống biến đổi khí hậu; dùng phế liệu để tái chế thành các đồ dùng như lọ hoa, giá đựng sách, túi sách, cặp sách… Các hoạt động này thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích cho các em học sinh mà còn tạo hiệu ứng tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT xanh, sạch, đẹp.
Để nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh về BVMT, đầu mỗi năm học các trường học trên địa bàn huyện Quảng Xương đều xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực, gần gũi với môi trường để toàn trường có thể tham gia, tạo được sự hứng thú cho học sinh, như: tham gia hưởng ứng “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày môi trường thế giới”; quét dọn, vệ sinh sân trường, lớp học… Theo cô giáo Lê Thị Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương), khi học sinh được học ở một môi trường xanh, sạch, đẹp, các em thấy yêu mến trường lớp hơn, có ý thức hơn trong việc BVMT xung quanh. Khi ý thức của học sinh được nâng cao, các em không chỉ là một thành viên tích cực BVMT ở nơi mình học, mà còn là những tuyên truyền viên tới bạn bè, người thân. Vì lẽ đó, cùng với giáo dục văn hóa, nội dung giáo dục BVMT cho học sinh luôn được nhà trường thực hiện thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, của ngành giáo dục, các sở giáo dục từ bậc học mầm non đến đại học trên địa bàn tỉnh đã tích hợp, lồng ghép kiến thức, kỹ năng giáo dục BVMT vào nội dung chương trình môn học. Bậc học mầm non đã thực hiện giáo dục môi trường thông qua hoạt động vui chơi theo chuyên đề “Bé làm quen với môi trường xung quanh”; bậc tiểu học với các môn học: Giáo dục sức khỏe, tìm hiểu tự nhiên, xã hội; bậc THCS, THPT lồng ghép chương trình giáo dục BVMT trong nhiều môn học, đặc biệt là môn Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân, Hóa học; tăng cường triển khai dạy học STEM, dạy học thông qua các hoạt động trải nghiệm, thiết thực, ý nghĩa cho cán bộ, giáo viên, học sinh… Ngoài ra, ngành còn phát động phong trào nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm về chủ đề BVMT, chống rác thải nhựa; tổ chức trưng bày các sản phẩm, đồ dùng tái chế từ đồ nhựa đã qua sử dụng… Thông qua các giải pháp tích cực, hoạt động cụ thể, ý thức về BVMT của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh được nâng lên rõ rệt. Các em học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường. Qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu BVMT của toàn dân.
Với trên 900.000 học sinh các cấp học, đây là lực lượng có tác động to lớn và lâu dài về nhiều mặt, trong đó có công tác BVMT. Nếu ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường học sinh có ý thức về BVMT thì các em sẽ tự giác tuyên truyền cho người thân và cộng đồng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành giáo dục cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, không ngừng nâng cao hiệu quả giáo dục BVMT cho mọi đối tượng học sinh.
Bài và ảnh: Phong Sắc