Chiều 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua nên có những quy định của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp. Sau Đại hội XII, XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn, như: Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật Doanh nghiệp (năm 2014), Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022), Luật Nhà ở (năm 2023)… Đặc biệt, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua tháng 11/2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), với nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền Công đoàn tại doanh nghiệp, khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn. Do đó, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, bên cạnh quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động như luật hiện hành, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này. Đồng thời, bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; Mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này; Bổ sung đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (đối với việc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam và chia sẻ kinh phí công đoàn).
Theo Tờ trình, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Trong đó, quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam theo hướng Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất theo mô hình Công đoàn 4 cấp; mô hình tổ chức Công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại Điều 8 dự thảo luật.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo luật.
Đối với quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: Bổ sung và không bổ sung quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam.
Ủy ban Xã hội nhận thấy, vấn đề này đã được Quốc hội Khóa XIII thảo luận nhưng chưa được thông qua và tiếp tục được đặt ra trong sửa đổi luật lần này. Để có đầy đủ cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ bối cảnh tình hình và thực tiễn nhu cầu gia nhập, hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam có những thay đổi gì mới so với thời điểm thông qua Luật Công đoàn năm 2012.
Đồng thời, làm rõ sự sẵn sàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hệ thống công đoàn khi cho phép người nước ngoài gia nhập và hoạt động công đoàn và làm rõ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về vấn đề này, nhất là các quốc gia có sự tương đồng về chính trị, văn hóa, xã hội với Việt Nam. Tiếp tục giải trình, tiếp thu, làm rõ các nội dung liên quan đến ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức về chính sách này, nhất là của Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
“Đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính độc lập, tự chủ trong các quyết định của công đoàn, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trong nội bộ tổ chức Công đoàn. Do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt an ninh, trật tự và báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của người nước ngoài và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn (Điều 27), Ủy ban Xã hội nhận thấy, khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Lao động đã quy định, Chính phủ quy định thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức.
Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình thêm về việc quy định nội dung này trong dự thảo luật cũng như lấy ý kiến Chính phủ, các cơ quan theo quy định (dự án luật khi xin ý kiến Chính phủ chưa có nội dung này), đồng thời, nghiên cứu có quy định đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách tại công đoàn cơ sở ở các trường học, khu công nghiệp còn đang vướng mắc để bảo đảm tính khả thi.
Về việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn (khoản 2 Điều 30), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, bên cạnh 2 phương án được Chính phủ trình, thì cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định “tỷ lệ cứng” như phương án 2 mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.