Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Văn Công Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Tiền Giang.
Cùng dự Hội nghị có ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí khu vực phía Nam; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo, đài trung ương và tỉnh Tiền Giang…
Sức hút và thách thức của Giải Báo chí Quốc gia
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về. Qua đó, cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.
“Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải”, ông Lê Quốc Minh nhận định.
Tại Hội nghị lần này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu, các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tích cực tham luận, đóng góp ý kiến, làm rõ 5 vấn đề.
Thứ nhất, tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải.
Thứ hai, về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Thứ ba, đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thứ tư, về việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác.
Thứ năm, về các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính – kế toán.
Tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu đánh giá, báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất lớn, định hướng cho các cơ quan truyền thông, báo chí trong quá trình xuất bản, sản xuất chương trình, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Những năm qua, cả nước đã có hàng ngàn tác phẩm báo chí từ Giải Báo chí Quốc gia, tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đóng góp ý tưởng, tham gia phản biện xã hội, lên án cái xấu, tôn vinh những điều tốt đẹp, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung sau gần 40 năm đất nước đổi mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, dù gặt hái được nhiều thành công, song so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cũng như yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới, Giải báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.
“Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 6/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này”, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Hỗ trợ báo chí chất lượng cao – luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí
Tại Hội nghị, ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam đã trình bày báo cáo Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022 khu vực phía Nam; hướng dẫn tổ chức thực hiện năm 2023, 2024.
Cụ thể, năm 2022, Hội Nhà báo 19 tỉnh, thành phố các tỉnh phía Nam thực hiện và đề nghị quyết toán 3,122 tỷ đồng. Trong đó, chi trực tiếp cho tác giả 2,154 tỷ đồng. Thu được 492 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.
Hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022 thu được nhiều kết quả tích cực, song ông Thắng cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục.
Cụ thể, nguồn hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị. Mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm theo đó còn rất thấp.
Cùng với đó, công tác hỗ trợ mới tập trung vào những nguồn sáng tạo (chất xám) hiện có, mà chưa chú trọng đến khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ, là gạch nối, là sự chuyển tiếp của thế hệ đi trước…
Thời gian tới, để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025, hàng năm Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản hướng dẫn thực hiện gửi các cấp Hội cùng với định mức số lượng tác phẩm đặt hàng theo mức kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh khu vực phía Nam và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo, đài trung ương đã có nhiều tham luận, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải. Cũng như đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng Hội nghị đã có những trao đổi rất thẳng thắn, nêu bật lên nhiều vấn đề. Từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.
Về chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng đã được ban chuyên môn Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tương đối thành công. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các Hội Nhà báo khu vực phía Nam, ông Lê Quốc Minh đề nghị Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết, đáp ứng cao nhất.
Một số hình ảnh đáng chú ý tại Hội Nghị:
Kỳ Hoa – Sơn Hải