Trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã chỉ đạo trung tâm dịch vụ nông nghiệp của các địa phương xây dựng hơn 1.000 mô hình khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân. Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt, từ chỗ cây lúa lai ban đầu chỉ có các vùng trọng điểm, đến nay các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng sản xuất lúa lai đạt đến 90% tổng diện tích sản xuất. Qua việc sử dụng bộ giống lúa lai và bộ giống lúa thuần năng suất cao chất lượng tốt, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh, tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa tập huấn kiến thức trồng khoai tây vụ xuân năm 2022 cho người dân xã Phú Lộc (Hậu Lộc).
Trước đây cây ngô được người dân gieo trồng trên chân đất đồi, bãi, ruộng vàn cao và sử dụng giống địa phương, giống thoái hóa năng suất thấp chỉ đạt 18 – 20 tạ/ha. Đến nay, các địa phương đã mở rộng trên nhiều chân đất khác nhau, nông dân sử dụng bộ giống ngô lai F1, giống ngô biến đổi gen vào sản xuất, đưa năng suất ngô bình quân đạt 45 – 55 tạ/ha. Đối với cây ăn quả, từ diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có quy hoạch trồng thâm canh cây ăn quả tập trung quy mô lớn, đến nay tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 23.340 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch đạt 18.358 ha với sản lượng 312.000 tấn/năm… Nếu như năm 1993 sản lượng lương thực của tỉnh (gồm cả lúa, ngô và cây có củ) mới đạt có 878.000 tấn thì đến năm 2023 sản lượng lương thực cây có hạt (chỉ tính lúa, ngô) đạt 1,6 triệu tấn.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, như: Ứng dụng khoa học – công nghệ sử dụng giàn sạ kéo tay trong thâm canh lúa; nghiên cứu tuyển chọn một số giống khoai tây năng suất cao, chất lượng tốt tại Thanh Hóa. Các đề tài khoa học – công nghệ do trung tâm triển khai đều được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu và đưa vào sản xuất đại trà. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, trung tâm đã tích cực chuyển giao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sử dụng công nghệ máy bay không người lái trong phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, mía; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; công nghệ nuôi lươn không bùn trong bể xi măng; mô hình nuôi vịt trong nhà lạnh… Ngoài ra, trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn quy trình đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa Vũ Văn Hà cho biết: Hoạt động khuyến nông đã bám sát các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp trọng điểm, chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng nhanh sản lượng nông, lâm, ngư nghiệp trên toàn tỉnh. Thông qua công tác khuyến nông đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, trình độ kỹ thuật và kỹ năng tổ chức sản xuất, quản lý để tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương. Việc xây dựng các mô hình trình diễn ở các địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính thuyết phục cao khi nông dân được tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất nông nghiệp qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từ đó họ tin tưởng và tự quyết định làm theo.
Phần lớn các chương trình khuyến nông mà trung tâm đã xây dựng đều đạt được mục tiêu cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả do xác định nhu cầu phù hợp của mô hình đối với điều kiện đặc thù của từng địa phương và đối tượng nông dân tham gia. Cùng với đó, trung tâm đã thực hiện xã hội hóa hoạt động khuyến nông làm đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông, thúc đẩy sự hợp tác giữa hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để thực hiện mục tiêu của các bên một cách bền vững.
Bài và ảnh: Lê Hợi